JVC: Điểm nhấn đầu tư

(ĐTCK) 2014 không chỉ là năm phục hồi, mà còn là giai đoạn bản lề đưa CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) vươn xa khi tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng.
JVC: Điểm nhấn đầu tư

Ấn tượng 2014

Nối tiếp đà phục hồi từ giữa năm, JVC dự kiến có thêm một quý kinh doanh ấn tượng khi cả hai mảng hoạt động chính là phân phối thiết bị y tế và thiết bị vật tư tiêu hao đều đang tăng trưởng mạnh. Công ty ước tính, doanh thu quý IV/2014 đạt 450 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 90 - 95 tỷ đồng, tăng lần lượt 100% và gần 400% so với cùng kỳ năm 2013.

Tại ĐHCĐ thường niên diễn ra vào giữa năm nay, JVC đặt mục tiêu 160 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho niên độ tài chính 2014 (riêng niên độ này kéo dài từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/3/2015), cao gấp 4 lần mức thực hiện trong năm 2013. Trong 9 tháng đầu năm 2014, JVC đạt 107,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với diễn biến bứt phá trong quý IV, Công ty ước lợi nhuận sau thuế năm tài chính 2014 đạt từ 197,2 - 202,2 tỷ đồng, gấp 5 lần mức thực hiện năm 2013. 

Tăng trưởng đồng đều

Thành lập năm 2001, sau 13 năm hoạt động, JVC hiện là nhà phân phối thiết bị y tế chẩn đoán hình ảnh lớn nhất tại Việt Nam với 40% thị phần, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh. Không chỉ là nhà phân phối lớn của các hãng cung cấp thiết bị y tế tên tuổi như Hitachi (độc quyền), JVC còn là đối tác, nhà phân phối hàng đầu của Fujifilm, Kodak, kinh doanh vật tư tiêu hao. Công ty giữ mối quan hệ khăng khít với các bệnh viện công từ Trung ương tới các địa phương.

Ngoài ra, JVC là đơn vị liên kết thiết bị y tế lớn nhất tại Việt Nam khi đang liên kết với hơn 100 bệnh viện, triển khai gần 200 dự án đặt các máy móc, thiết bị y tế kỹ thuật cao. Công ty còn là doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam phát triển loại hình dịch vụ khám chữa bệnh lưu động hướng vào khối khách hàng lớn là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các khu công nghiệp.

Năm 2014, JVC quay lại quỹ đạo tăng trưởng quen thuộc khi cả 4 mảng hoạt động đều đạt kết quả ấn tượng. Doanh thu ước đạt 450 tỷ đồng trong quý IV là mức kỷ lục trong một quý kể từ khi Công ty lên niêm yết.

Ở lĩnh vực chủ chốt là phân phối thiết bị y tế, bên cạnh việc nối lại và thực hiện các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay Ngân hàng Thế giới, trong năm 2014, JVC cũng thành công với nhiều dự án mới. Trong số này có thể kể đến các dự án sử dụng nguồn tài trợ từ quỹ phúc lợi của Vietinbank, nguồn từ các bệnh viện ngành dọc của Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, đặc biệt là nguồn ngân sách tại các địa phương.

Ở mảng cung cấp vật tư tiêu hao, Công ty triển khai thêm nhiều dự án đặt máy in và bán phim ở tuyến bệnh viện công. Trong mảng đầu tư liên kết, các dự án JVC triển khai từ cuối năm 2013 tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh như Bệnh viện Thuỵ Điển - Uông Bí, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Tuyên Quang, Quảng Bình, năm nay đã đi vào hoạt động, đóng góp nguồn doanh thu ổn định. Ngoài các hợp đồng cung cấp dịch vụ khám sức khoẻ lưu động cho các khu công nghiệp, JVC cũng thành công khi khám sức khoẻ cho hơn 90.000 lượt người theo Dự án Quỹ phòng chống lao toàn cầu.

Thêm vốn, thêm tiềm lực vươn xa

Là doanh nghiệp đầu ngành trong một lĩnh vực kinh doanh nhiều dư địa phát triển, từ tầm nhìn của Ban lãnh đạo và chiến lược phát triển đúng đắn, nhiều năm qua, JVC đã tạo lập được nhiều lợi thế cạnh tranh. Mô hình kinh doanh một cấp giúp giá bán luôn ở mức cạnh tranh nhất. Với đội ngũ kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, JVC cung cấp dịch vụ hậu mãi trong thời gian ngắn và chi phí thấp. Vị thế và mối quan hệ khăng khít của JVC với hệ thống y tế công là tiền đề để Công ty xây dựng chuỗi giá trị khép kín, kinh doanh quy mô lớn từ nhập khẩu đến cung ứng dịch vụ…

Cả nước hiện có 371 khu công nghiệp với 7,2 triệu công nhân, nhưng trong lĩnh vực khám chữa bệnh lưu động, JVC mới đáp ứng được 2% nhu cầu thị trường. Các khảo sát gần đây của Bộ Y tế cho thấy, các máy móc thiết bị chẩn đoán hình ảnh tại hệ thống bệnh viện công luôn hoạt động quá tải mới đáp ứng được 67% nhu cầu, các máy móc sinh hóa hoặc đã lỗi thời hoặc không có xuất xứ rõ ràng cũng chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Nhiều bệnh viện công như 115, Gia Định đang kêu gọi đầu tư tư nhân giải quyết tình trạng quá tải, tồn tại bấy lâu nay.

Nhận ra cơ hội từ các mảng kinh doanh cốt lõi và sức bật khi nền kinh tế phục hồi, JVC vừa tiến hành huy động 750 tỷ đồng, đẩy mạnh nhiều hoạt động kinh doanh hứa hẹn: đầu tư 140 tỷ đồng mua thêm 100 xe khám chữa bệnh lưu động; đầu tư 426 tỷ đồng liên kết với các bệnh viện triển khai máy móc khám, chẩn đoán bệnh cấu hình cao; đầu tư 158 tỷ đồng xây dựng trung tâm y tế kỹ thuật cao với Bệnh viện 115, Gia Định, 7A…

Vị thế vững chắc và bước chuẩn bị cho đà tăng trưởng mới khiến JVC nhận được sự quan tâm từ nhiều CTCK. “Triển vọng của JVC trong thời gian tới được đánh giá là rất lạc quan bởi Việt Nam được coi là một thị trường cực kỳ tiềm năng trong lĩnh vực thiết bị y tế”, báo cáo của CTCK APEC viết.

* CTCK APEC: “JVC đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất năm 2013 và đang cải thiện khá tốt doanh thu và lợi nhuận từ năm 2014 trở đi”.

* CTCK Maybank KimEng: “Các mảng kinh doanh khác của JVC trong 2014 đều khá lạc quan”.

* CTCK BSC: “JVC được hưởng lợi từ việc tăng giải ngân của các dự án Chính phủ và quốc tế, cộng với nhu cầu khám chữa bệnh kỹ thuật cao tại Việt Nam liên tục tăng”.

PV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục