Qua thời các sếp lớn chỉ “ở tạm”
Phát biểu cuối cuộc họp ĐHCĐ, ông Phạm Quang Huy, tân Chủ tịch HĐQT JVC nói: “Hy vọng 5 năm nữa, kết thúc nhiệm kỳ này, tôi sẽ tiếp tục được phát biểu tại đây”. Câu nói này bị ngắt lại giữa chừng bởi tràng vỗ tay lớn của cổ đông.
Trước đó, cuộc họp đã “nóng” lên ngay khi bắt đầu phần bỏ phiếu bầu HĐQT, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát, với việc lo ngại chất lượng ban lãnh đạo mới, nhất là từ sau sự kiện ông Lê Văn Hướng, nguyên Chủ tịch HĐQT JVC bị bắt tạm giam và JVC liên tục có sự thay đổi các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Chủ tịch HĐQT mới của JVC thực ra không phải là cái tên quá xa lạ. Bởi ngoài lĩnh vực chứng khoán, khi ông từng nắm giữ vị trí điều hành tại nhiều doanh nghiệp niêm yết, cá nhân ông và gia đình đều có “tên tuổi” trong lĩnh vực vật tư – thiết bị y tế. Hiện tại, ông đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Thiết bị y tế Việt Nam – VINAMED. Tương tự, tại vị trí Tổng giám đốc, cái tên Ngô Thanh Sơn có thể gây bất ngờ cho cổ đông, song trong các lĩnh vực trên, ông Sơn đã có 16 năm “lăn lộn” và trước khi về đầu quân cho JVC, ông giữ vị trí quản lý cấp cao tại hãng GE của Mỹ tại Việt Nam.
Cổ đông JVC đã yên tâm hơn, khi không còn những cái tên được đưa ra để “lấp chỗ trống” như trước, thay vào đó là đội ngũ lãnh đạo có kinh nghiệm, chuyên môn cao và hơn hết, đều thể hiện tâm ý muốn gắn bó lâu dài với Công ty.
3 mục tiêu chính cho JVC
Tại cuộc họp, Ban lãnh đạo JVC đã đưa ra 3 nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay và các năm tới mà: ngay lập tức bắt tay vào tái cấu trúc Công ty; xúc tiến trở lại ngay các dự án; xây dựng lại hình ảnh, lấy lại niềm tin của khách hàng, cổ đông.
Về tái cấu trúc Công ty, ông Sơn cho hay, Ban lãnh đạo đã áp dụng các nguyên tắc quản trị tiên tiến, đồng thời đưa ra các giải pháp để tạo ra cơ chế mới cho Công ty, điều mà trước đây JVC chưa làm được, cho dù được đánh giá là doanh nghiệp có quy mô. Theo ông Sơn, một khi có chính sách phù hợp, động lực làm việc của nhân viên sẽ tăng lên và rủi ro hoạt động của Công ty cũng sẽ giảm bớt.
Đồng quan điểm, ông Huy cũng cho rằng, cần phải xây dựng một chính sách quản trị phù hợp cho toàn bộ JVC.
“Chúng ta đang phải trả giá cho những vấn đề trong quá khứ. Đó là hậu quả thực, nên phải rút kinh nghiệm. Nếu lãnh đạo ra chỉ thị sai, thì cấp dưới cũng không được ký, đó là nguyên tắc mà JVC sẽ phải thực hiện nghiêm chỉnh ở mọi cấp bậc”, ông Huy nhấn mạnh.
Về việc khôi phục lại hình ảnh doanh nghiệp, cũng như niềm tin nơi đối tác và công chúng đầu tư, ông Sơn cho biết, với việc cải tổ lại JVC, nỗ lực đẩy mạnh xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp mới từ JVC, Công ty đã đạt được những bước tiến quan trọng.
“Các nhà cung cấp Nhật Bản đã thay đổi chính sách bán hàng, chấp nhận cho nợ tới 60 ngày, thay vì 30 ngày như trước, đề xuất cho Công ty bán nhiều sản phẩm mới… khách hàng cũng dần thay đổi cái nhìn về JVC. Đó là những bước tiến quan trọng, tạo tiền đề cho JVC khôi phục hoạt động kinh doanh”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, ông Huy bày tỏ: “JVC cần có niềm tin của cả khách hàng và các cổ đông để cùng đồng hành, thậm chí có thể là góp vốn vào Công ty trong tương lai”. Ông Huy cho hay, trong thời gian qua, chính sự đồng hành của cổ đông ngoại D.I đã giúp JVC tồn tại được, đặc biệt trong mối quan hệ với các nhà cung cấp.
Đối với việc xúc tiến nhanh các dự án, ông Sơn cho biết: “Con số 2 tỷ đồng lợi nhuận năm tài chính 2016-2017 chưa đáp ứng được mong mỏi của cổ đông, nhưng nếu không bắt tay ngay vào công việc thì trong hoàn cảnh này, cũng khó mà đạt được… Hiện tại, cả lãnh đạo cũng như nhân viên Công ty đều làm việc từ 10-12 tiếng mỗi ngày. Mọi người đều nỗ lực xây dựng lại Công ty”.
Hai câu hỏi ngỏ
Hạch toán thua lỗ lớn của JVC chủ yếu do trích lập dự phòng lớn, trong đó gồm các khoản phải thu, các khoản đầu tư vào công ty có liên quan đến ban lãnh đạo cũ. JVC có đòi được những khoản này và đã làm gì để đòi được? Trả lời câu hỏi này, ông Đỗ Thanh Tùng, nguyên Chủ tịch HĐQT JVC cho biết, JVC đã thuê luật sư để làm việc, đồng thời nhờ cổ đông Nhật tìm hiểu về khoản trả trước nhà cung ứng bên Nhật.
“Do có giá trị lớn, lại diễn ra từ lâu, nên quá trình này rất mất thời gian. Ban lãnh đạo Công ty đã và đang nỗ lực để thu hồi, nhưng xác suất thành công là thấp”, ông Tùng nói.
Về hướng xóa lỗ, ông Tùng thừa nhận, nếu làm theo cách thông thường, trông chờ vào lợi nhuận để lại mỗi năm, thì phải mất hàng chục năm mới có thể hoàn thành.
“Công ty cần một chính sách khác để tái cấu trúc, tuy nhiên, đây là điều chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chúng tôi đang hy vọng, trong tuần tới sẽ có công văn chấp thuận của cơ quan quản lý về đề án này”, ông Huy nói.