Joe Biden khó đảo ngược chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Trump

0:00 / 0:00
0:00

Ông Joe Biden sẽ phải dung hòa giữa chủ nghĩa dân túy cánh hữu và chủ nghĩa bảo hộ cánh tả khi tìm cách đảo ngược chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Donald Trump.

Joe Biden khó đảo ngược chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Trump. Ảnh: Getty. Joe Biden khó đảo ngược chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Trump. Ảnh: Getty.

Tổng thống đắc cử Joe Biden đã nhiều lần khẳng định, việc khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông. Ý định này cũng được thể hiện khá rõ nét thông qua việc lựa chọn các thành viên trong nội các tương lai của ông.

Những người được ông Biden lựa chọn đều “sẵn sàng đưa nước Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo chứ không phải rút lui khỏi thế giới”, ông Biden nói hôm 24/11. “Nước Mỹ đã trở lại”, ông Biden tuyên bố.

Theo ông Charles R. Hankla, giáo sư về Khoa học chính trị tại Đại học Geogia ở Atlanta, có thể chưa lúc nào sự trở lại này cấp bách hơn bây giờ, nhất là ở khía cạnh chính sách thương mại.

Suốt 4 năm qua, Tổng thống Trump đã xé bỏ các thỏa thuận thương mại và khơi mào các cuộc thương chiến gây nhiều tổn thất. Tất cả những điều này dường như khiến nước Mỹ “nhường” vai trò dẫn dắt kinh tế toàn cầu lại cho Trung Quốc.

Chính quyền Joe Biden chắc chắn sẽ không thể một sớm một chiều đưa nước Mỹ trở lại “kỷ nguyên vàng” trong vai trò lãnh đạo nửa thế kỷ sau Thế chiến 2, khi mà Mỹ đã giúp tạo ra và duy trì các quy tắc, các thể chế góp phần thúc đẩy toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, sau 4 năm “rút lui” của chính quyền Trump, việc trở lại vai trò dẫn dắt sẽ khó hơn so với những gì Joe Biden nghĩ, nhất là khi sự nghi ngờ đối với thương mại tự do ngày càng gia tăng ở cả cánh tả và cánh hữu.

Cái giá của “Nước Mỹ trước tiên”

Dù chính quyền Trump thực thi chính sách thương mại được gán cho cái tên “Nước Mỹ trước tiên”, thì đó cũng không phải là mô tả chính xác nhất.

Chính sách này bao gồm cả việc áp thuế trừng phạt đối với các mặt hàng đặc biệt như thép và nhôm đối với một loạt nước – đáng chú ý nhất là Trung Quốc - ở quy mô chưa từng thấy trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên, cái giá đối với nước Mỹ cũng khá cao.

Các đòn thuế quan của ông Trump đã gây tổn thất hàng chục tỷ USD cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Các nông dân và các nhà sản xuất Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc đóng cửa các thị trường xuất khẩu đối với hàng hóa Mỹ ở Trung Quốc và nhiều nơi khác. Hơn nữa, chính quyền Trump cũng phải chi không ít tiền cứu trợ các nông dân bị tác động bởi cuộc chiến thuế quan.

Việc đặt nước Mỹ trước tiên cũng cho thấy lý do nước Mỹ dưới thời chính quyền Trump muốn tập trung vào các thỏa thuận song phương hơn là các cơ chế đa phương.

Điều đó không chỉ khiến các công ty Mỹ không thể hưởng hợi từ các thỏa thuận thương mại tự do mà còn khiến nước Mỹ ngày càng trượt ra bên lề khi các quy tắc thương mại toàn cầu được soạn thảo.

Đó là tin xấu đối với Mỹ, vì ngay cả chỉ áp dụng với những thỏa thuận thương mại nhất định, thì các quy tắc đó cũng được xem như nền tảng cho các thỏa thuận tương lai, trong đó có cả các cuộc đàm phán song phương với riêng nước Mỹ. Vì thế nếu chính quyền Mỹ không ngồi vào bàn đàm phán, sẽ có một sự chia rẽ về lâu dài.

Lo ngại của chủ nghĩa dân túy cánh tả về thương mại có tổng bằng 0

Có rất nhiều lý do mạnh mẽ để Mỹ trở lại các cam kết với thế giới. Thương mại toàn cầu có thể vẫn là yếu tố chủ chốt giúp nước Mỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19. Nhưng để làm điều đó, ông Biden sẽ phải điều phối giữa 2 nhóm đang là “cái gai trước mắt” ông.

Một nhóm trong số đó là những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu – những người bảo thủ, vốn chủ yếu là các cử tri tầng lớp lao động ủng hộ thương mại mà ông Trump đã đưa ra năm 2016.

Cũng giống như ông Trump, họ có xu hướng nhìn vấn đề thương mại qua một “ống kính” chủ nghĩa dân tộc, trong đó “người thắng được cả”. Những người này cho rằng thương mại không có lợi cho tất cả các bên mà là một cuộc cạnh tranh một mất một còn dựa trên việc ai đang nắm giữ thặng dư thương mại, ai đang có hay mất thị phần.

Hơn nữa, do cơ sở của đảng Cộng hòa (GOP) đang ngày càng chuyển sang những cử tri da trắng ít có học thức, điều này sẽ là một yếu tố quan trọng đối với GOP.

Ở một nước giàu như Mỹ, những người lao động ít có tay nghề đang bị tác động bởi thương mại tự do, trong khi lao động lành nghề và các chủ doanh nghiệp lại được hưởng lợi nhiều nhất. Điều này là vì các nước có thu nhập thấp hơn sẽ có lợi thế so sánh trong lĩnh vực lao động ít kinh nghiệm.

Rất nhiều cử tri tầng lớp lao động đều cảm thấy bị bỏ lại trong nền kinh tế mới và bị chính phủ phớt lờ. Thương mại tự do trở thành mục tiêu trong cơn giận dữ của họ, khiến đảng Cộng hòa thay đổi, hướng tới chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ.

Nếu GOP có thể đảm bảo nắm thế đa số tại Thượng viện sau cuộc bầu cử vào tháng 1/2021, nhiều khả năng xu hướng chủ nghĩa dân túy cánh hữu sẽ vẫn tiếp tục tác động đến sự hoài nghi thương mại trong đảng này.

Đây sẽ là sợi dây “trói tay” Biden khi ông muốn đàm phán các thỏa thuận thương mại mới hoặc khiến ông gặp rào cản ở các bước cần có sự phê duyệt của Thượng viện.

Ngay cả nếu đảng Dân chủ nắm đa số ở Thượng viện, ông Biden vẫn cần phải thu hút sự ủng hộ của tầng lớp lao động, chủ yếu là các cử tri da trắng, để đảm bảo đảng Dân chủ của ông có thể duy trì thế đa số tại Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Chủ nghĩa bảo hộ cánh tả hoài nghi về tác động đối với liên đoàn thương mại

Tuy nhiên, chủ nghĩa dân túy cánh hữu không phải là phần quan trọng duy nhất trong nền chính trị Mỹ đang hoài nghi về thương mại.

Chủ nghĩa bảo hộ cánh tả - đặc biệt dẫn đầu là Thượng nghị sỹ Bernie Sanders – lâu nay vẫn ủng hộ hạn chế thương mại quốc tế. Động cơ của họ dù có phần khác nhau, nhưng đều hoài nghi về tác động của tự do thương mại đối với quyền lợi của người lao động cũng như môi trường.

Ở giai đoạn tranh cử nội bộ, Biden đã đánh bại Sanders và các ứng viên khác có quan điểm hoài nghi hơn đối với thương mại. Nhưng dù vậy, ông sẽ vẫn phải thích ứng với làn sóng mới trong cánh tả ở Mỹ, trong đó có cả quan điểm của họ về thương mại.

Chủ nghĩa dân túy tiềm ẩn

Những người có quan điểm lạc quan và ủng hộ thương mại có thể nói rằng, các cuộc thăm dò dư luận như đã từng tiến hành cuối năm 2019, cho thấy có sự ủng hộ áp đảo đối với thương mại tự do từ cử tri của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò không phải lúc nào cũng đo lường chính xác mức độ mạnh, yếu của những quan điểm đó.

Hơn nữa, do những tổn hại của thương mại tự do ngày càng lộ rõ hơn so với các lợi ích, một nhóm cử tri thiểu số ủng hộ các chính sách bảo hộ lại có tiếng nói mạnh mẽ hơn so với những con số trong các cuộc thăm dò.

Dù chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Trump có thể không còn được thực thi dưới thời chính quyền mới, nhưng ông Joe Biden sẽ vẫn phải tiếp tục sức ép đối với Trung Quốc và sẵn sàng duy trì phần nào chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của người tiền nhiệm để kêu gọi sự ủng hộ của tầng lớp lao động.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục