Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam (Dự án Jinko Solar 2) tại KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh do Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) làm nhà đầu tư.
Dự án này thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển ban hành kèm theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ (các cụm linh kiện, phụ tùng cho hệ thống thiết bị sản xuất điện năng từ năng lượng mới và năng lượng tái tạo – mục VI các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao).
Sản phẩm của dự án Jinko Solar 2 là nguyên liệu đầu vào của dự án Jinko Solar 1 (Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam).
Việc triển khai dự án sẽ hình thành chuỗi liên kết sản phẩm, nâng cao hiệu quả đồng thời của cả 02 dự án. Đây cũng là dự án thứ cấp thứ 2 thực hiện đầu tư vào KCN Sông Khoai, có quy mô vốn đầu tư lớn 8.382 tỷ đồng (tương đương 365,6 triệu USD), diện tích sử dụng đất 20,1 ha.
Chủ đầu tư huy động phương tiện máy móc triển khai thi công dự án |
Với công suất thiết kế khoảng 1.430 triệu sản phẩm tấm silic/năm (tương đương 39.900 tấm sản phẩm/năm), dự án này đóng vai trò hết sức quan trọng để góp phần hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất tấm quang năng quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Sau khi đi vào hoạt động, dự kiến sẽ có doanh thu bình quân năm là hơn 25.654 tỷ đồng; nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (sau thời gian ưu đãi về thuế) là 461,3 tỷ đồng. Tổng số lao động khi dự án đi vào hoạt động là 2.188 người, với mức lương trung bình trên 11 triệu đồng/người/tháng. Nhà đầu tư cam kết sẽ đưa dự án đi vào hoạt động chính thức sau 11 tháng kể từ ngày được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trước đó, ngày 31/3/2021 tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Ninh, dự án Jinko Solar 1 của Công ty Jinko Solar Hong Kong Limited, quy mô vốn đầu tư hơn 11.499 tỷ đồng (tương đương 498 triệu USD), đã được trao giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy, tổng vốn đầu tư của 02 dự án mà Tập đoàn Jinko Solar đầu tư tại KCN Sông Khoai lên đến 19.882 tỷ đồng (tương đương 865,6 triệu USD).
Theo báo cáo thẩm định của Ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Ninh, quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án chỉ 4 ngày kể từ khi Ban tiếp nhận hồ sơ đầu tư đầy đủ của dự án, sớm 15 ngày làm việc so với quy định. Và từ khi Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh có ý kiến chấp thuận đến khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 01 ngày làm việc (sớm 04 ngày làm việc so với quy định của thủ tục hành chính).
Ông Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích trong công tác thẩm định cấp giấy chứng nhận. |
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực mở cửa đón làn sóng đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ vào khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỉnh đã xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng tiên tiến, hiện đại, phát triển xanh.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực để hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông động lực như: Dự án đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (trong năm 2021), cầu Cửa Lục 1, 3…; Dự án xây dựng Nút giao Km 6+700 đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng thuộc dự án đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (tại Km 6+700) đến đường tỉnh 338 - giai đoạn 1; Nút giao Đầm Nhà Mạc nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với tuyến đường ven sông kết nối khu vực miền Tây của tỉnh và các KCN,…
Khi các dự án này đi vào hoạt động chắc chắn sẽ góp phần quan trọng tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút FDI cấp mới và tăng vốn đạt 1,067 tỷ USD; so với cùng kỳ 9 tháng thu hút FDI tăng 2,67 lần. Dự kiến đến hết năm 2021, thu hút cấp mới và điều chỉnh khoảng 1,2 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với cả năm 2020 (589 triệu USD).