JCCI: Mong gỡ “nút thắt” để khơi thông nguồn vốn vào hạ tầng

Đây là một trong 4 kiến nghị mà JCCI đề xuất với Chính phủ Việt Nam nhằm thu hút dòng vốn nước ngoài vào lĩnh vực hạ tầng tại Hội nghị Định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài tổ chức ngày hôm nay (21/12).
Ông Tetsu Funayama Ông Tetsu Funayama

Nêu ý kiến tại Hội nghị, Uỷ viên Ban lãnh đạo, Trưởng ban Diễn đàn doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đánh giá, để thu hút đầu tưnước ngoài thì cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng, luôn được các nhà đầu tư quan tâm.

Với bối cảnh nợ công của Việt Nam gần đến mức trần và Chính phủ Việt Nam đang thắt chặt vay nợ, thì để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết một cách đầy đủ, việc thực hiện tích cực cơ chế hợp tác công - tư (PPP) được cho là một trong những biện pháp hiệu quả.

Ông Tetsu Funayama cũng nhận định, Chính phủ Việt Nam hiểu rõ ý nghĩa PPP trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và luôn lắng nghe nguyện vọng để cùng chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp cũng như thực hiện tốt vai trò của Chính phủ để đưa các dự án PPP đi đến thành công.

JCCI đánh giá cao việc ban hành Nghị định 63 về đầu tư theo hình thức công tư vào tháng 5/2018, nhờ đó các quy trình thủ tục đã được đơn giản hoá, như việc bãi bỏ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư IRC đối với các dự án BOT, các quy định cụ thể để triển khai các dự án PPP cũng được rõ ràng hơn. Tuy nhiên Nghị định 63 và các văn bản liên quan còn một số nội dung chưa rõ ràng tồn đọng một số vấn đề, vì vậy, JCCI đề nghị Chính phủ cải thiện hơn nữa 4 nội dung chính yếu. 

"Chính phủ cần quy định rõ hơn về các trường hợp áp dụng luật nước ngoài; Bên cạnh đó, cho phép sử dụng trọng tài bên ngoài Việt Nam đối với toàn bộ các dự án hạ tầng, bao gồm cả bất động sản; cũng như cho phép nhà đầu tư và doanh nghiệp có quyền thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền kinh doanh, thiết bị dự án nhằm giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc huy động vốn mở rộng đầu tư; đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cũng phải chịu một mức độ rủi ro nhất định trong việc chuyển đổi tỷ giá và làm rõ danh mục các dự án trọng điểm cần sử dụng lãi suất bảo lãnh Chính phủ để triển khai", đại diện JCCI nêu kiến nghị.

Không chỉ đề cập đến việc làm sao để hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào hạ tầng, ông Tetsu Funayama còn chia sẻ những thông tin rất lạc quan đối với ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Đó là, theo một điều tra mới đây của ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản, 66% doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam là điểm đến tiềm năng tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên một trong các mối quan tâm của doanh nghiệp khi mở cơ sở sản xuất tại một thị trường mới là chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại nước sở tại.

Vị đại diện JCCI cho rằng, chìa khoá để đột phá trong phát triển ngành công nghiệp đương nhiên là việc nâng cao năng lực khoa học, kỹ thuật, sản xuất, đào tạo phát triển nguồn nhân lực Việt Nam và yếu tố nền tảng là xây dựng chuỗi giá trị công nghiệp, đặc biệt là phát triển công nghiệp hỗ trợ để hướng tới tăng cường năng lực cạnh tranh bằng việc nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong khu vực chế tạo của Việt Nam.

Để đạt được điều này, ông Tetsu Funayama đề xuất Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản cần mở rộng hơn nữa khuôn khổ hợp tác của chương trình đào tạo kỹ thuật viên Việt Nam và triển khai một cách chắc chắn việc đào tạo đội ngũ kỹ sư thiết kế, kỹ sư máy, nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng người Việt. 

"Nới lỏng quy định visa cho người nước ngoài, mời các nhân viên kỹ thuật có tuổi nghề cao đến Việt Nam với tư cách là người truyền lại kỹ thuật của những người thợ lành nghề để đào tạo hướng dẫn cho lao động người Việt Nam là biện pháp rất hiệu quả", ông Tetsu Funayama nêu ví dụ.

Anh Phong
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục