
Việc bổ nhiệm này đã nhận được sự phản ứng trái chiều trong dư luận Nhật Bản nói chung và giới tài chính - ngân hàng nói riêng.
Bắt đầu từ ngày 1/4/2012, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Japan Bank for International Cooperation - JBIC) bắt đầu hoạt động theo mô hình mới, như một định chế tài chính độc lập của Chính phủ Nhật Bản. Vậy là sau khi sáp nhập trở thành một bộ phận của Công ty Tài chính Nhật Bản (Japan Financial Corporation - JFC) vào tháng 10/2008, nay JBIC lại được tách ra để “độc lập tác chiến”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc JBIC chọn ông Hiroshi Okuda làm Chủ tịch là đúng người, đúng việc, đúng chỗ. Ông Hiroshi Okuda có đầy đủ kinh nghiệm cả trên thương trường lẫn chính trường. Ông đã có thâm niên 50 năm làm việc liên tục cho Toyota, tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản, rồi từng giữ chức Chủ tịch, từ năm 1995 đến năm 2006. Hơn thế nữa, năm 2002, ông còn được bầu là Chủ tịch Hiệp hội Các tập đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidaren), hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất Nhật có tiếng là giỏi “lobby” các chính khách.
Ngoài ra, ông cũng đã từng giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (Japan Automobile Manufacturers Association - JAMA), đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội Giới chủ doanh nghiệp Nhật Bản (Japan Federation of Employers’ Association - JFEA). Nhìn vào đây có thể thấy ngay là ông rất có kinh nghiệm trong quản lý, điều hành và có sẵn nhiều mối quan hệ làm ăn. Với việc đưa ông ngồi vào ghế Chủ tịch JBIC, Chính phủ Nhật Bản trông cậy vào kinh nghiệm lõi đời của một nhà kinh doanh, cùng những mối quan hệ với các đối tác trong nước và nước ngoài với kỳ vọng là ông góp phần giúp các công ty Nhật Bản nâng cao năng lực cạnh tranh trong đấu thầu các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, phần lớn sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản.
Vào thời điểm này, khi được giao vai trò thúc đẩy quan hệ hợp tác công - tư (PPP), JBIC rất cần một vị chủ tịch tầm cỡ như vậy.
Song cũng có một số ý kiến nhận xét rằng, ông Hiroshi Okuda đã vượt tuổi về hưu từ lâu rồi. Cho dù ông vẫn khoẻ, song chắc chắn, sức làm việc không thể dẻo dai và đầu óc cũng không thể sáng suốt, minh mẫn như những năm còn trẻ. Hơn nữa, nước Nhật đâu đã hết người tài mà phải tận dụng cả những vị, mà theo quan niệm thông thường thì đã ở ngưỡng… gần đất xa trời.
Tuy nhiên, khỏi phải bàn cãi nhiều, ông Hiroshi Okuda đã nhận quyết định và hứa sẽ nỗ lực hết sức mình để JBIC có nhiều khởi sắc.
Ông Hiroshi Okuda phát biểu: “Các công ty Nhật Bản, nhất là các công ty chuyên xuất khẩu đang chịu áp lực lớn từ giá đồng yên mạnh (so với USD, euro, bảng Anh). Song chúng ta phải nỗ lực cao nhất có thể để tận dụng việc đồng yên tăng giá, thông qua đẩy mạnh các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ở nước ngoài cũng như sở hữu các nguồn tài nguyên, khoáng sản ở nước ngoài. Tôi muốn đưa JBIC trở thành định chế tài chính quốc tế có tên tuổi”.
Cũng trong đợt bổ nhiệm này, ông Hiroshi Watanabe được giữ chức Phó chủ tịch JBIC. Trước đó, ông này nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản phụ trách mảng quan hệ quốc tế; rồi Phó chủ tịch JFC.
Ở Việt Nam, JBIC không phải là cái tên quá lạ lẫm với nhiều người, nhưng cũng không ít người chưa biết tường tận về định chế tài chính này. Nhân dịp này, thiết nghĩ cũng nên đề cập qua về quá trình hình thành và phát triển của JBIC.
JBIC được thành lập vào tháng 10/1999 trên cơ sở sáp nhập Ngân hàng Xuất nhập khẩu Nhật Bản (Export - Import Bank of Japan) với Quỹ Hợp tác kinh tế hải ngoại của Nhật Bản (Overseas Economic Cooperation Fund of Japan).
Đến tháng 10/2008, JBIC lại được tái cơ cấu, trở thành một bộ phận của JFC chuyên về đối ngoại. Mảng đối nội của JFC, bao gồm Công ty National Life Financial Corp.; Công ty tài chính ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp; Công ty tài chính dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
JBIC sử dụng các khoản vốn vay của Chính phủ, trong đó có vốn ODA và các quỹ đầu tư hỗ trợ cho các công ty Nhật Bản triển khai xây dựng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như sở hữu các nguồn tài nguyên khoáng sản như mỏ dầu, than… ở nước ngoài.
JBIC được tách ra khỏi JFC do có nhiều ý kiến phản ánh rằng, nằm trong JFC, JBIC bị “bó chân bó tay” trong khâu ra quyết định do thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê.
Riêng Toyota rất tự hào là “người cũ” của mình hiện lãnh đạo một định chế tài chính lớn. Đại diện Toyota nhấn mạnh, dưới thời lãnh đạo của ông Hiroshi Okuda, Prius, chiếc xe hybrid (vừa chạy điện, vừa chạy xăng) đầu tiên của Toyota đã ra đời và trở thành một hiện tượng lớn trên thị trường ô tô toàn cầu. Ông Hiroshi Okuda cũng có thể làm được điều gì đó tương tự ở JBIC.