Hậu kiểm toán, lãi tăng đột biến
Cụ thể, doanh thu thuần 2019 của ITA trên báo cáo kiểm toán đạt 1.306,6 tỷ đồng, tăng gấp 2,87 lần so với báo cáo tự lập và 2,67 lần so với kết quả thực hiện trong 2018. Nguyên nhân chủ yếu là do sự điều chỉnh tăng tại doanh thu cho thuê đất, từ 159,9 tỷ đồng trước kiểm toán lên 963,7 tỷ đồng do ITA ghi nhận doanh thu một lần cho toàn bộ thời gian cho thuê đất đã phát sinh trên cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Tân Tạo (mở rộng) và Khu công nghiệp Tân Ðức.
Mặc dù các chi phí tài chính, bán hàng và chi phí quản lý sau kiểm toán đồng loạt tăng, nhưng thay đổi trong doanh thu khiến lợi nhuận gộp của ITA tăng 92% so với trước kiểm toán,đạt 420,3 tỷ đồng. Qua đó, giúp Công ty thu về 206,3 tỷ đồng lợi nhuậnsau thuế, gấp 2,5 lần mức thực hiện năm 2018.
Với kết quả như vậy, ITA vừa ghi nhận năm có lợi nhuận cao nhất kể từ 2011 tới nay. Tuy nhiên, phía sau con số lợi nhuận đột biến này, bức tranh tài chính, kinh doanh của ITA vẫn có nhiều điểm khiến giới đầu tư e ngại.
Nhiều câu hỏi xung quanh cấu trúc tài chính, dòng tiền
Thông thường, các doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp “đầu tư một lần, thu tiền lâu dài”, dòng tiền hoạt động và cấu trúc tài chính khá tốt khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác, tuy nhiên tại ITA, trong giai đoạn 2012 - 2016, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là tồn kho tăng mạnh.
Tình hình này một mặt khiến cổ đông của ITA không có cổ tức dù Công ty có lợi nhuận tốt, mặt khác là dòng tiền của Công ty phụ thuộc lớn vào vay nợ và các khoản “nhận chi viện đặc biệt” - cho vay từ các bên liên quan không lãi suất và không có thời hạn thanh toán với số dư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng/năm trong giai đoạn từ 2013 - 2015.
Trong 3 năm liên tiếp, từ 2014 - 2016, ITA đã tiến hành 3 đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ để cấn trừ công nợ, tổng cộng hơn 319 triệu cổ phiếu.
Dù giúp giảm tỷ lệ vay trên vốn chủ sở hữu, nhưng việc phát hành riêng lẻ một mặt khiến các cổ đông chịu áp lực pha loãng lớn, mặt khác là gia tăng rủi ro quản trị xung quanh dòng tiền giao dịch quá lớn của ITA với các bên liên quan.
Từ năm 2017 đến nay, dòng tiền kinh doanh của ITA thặng dư trở lại, giúp Công ty giảm nợ vay cũng như không còn các đợt phát hành riêng lẻ, nhưng nguồn lực dự trữ hiện vẫn khá mỏng so với nhu cầu đầu tư và trả nợ. Số dư tiền và tương đương tiền đến cuối năm 2019 chỉ đạt 102 tỷ đồng, so với quy mô tổng tài sản lên đến 13.300 tỷ đồng.
Về hiệu quả kinh doanh, những năm qua, lợi nhuận không chỉ khá thấp so với quy mô tài sản, nguồn vốn, mà còn liên tục không đạt kế hoạch.
Năm 2016, Công ty chỉ hoàn thành 10% kế hoạch lợi nhuận, năm 2017 đạt 4%, năm 2018 đạt 22,4%.
Năm 2019, dù lợi nhuận tăng mạnh sau kiểm toán nhưng cũng mới đạt 45% kế hoạch đề ra. Ðiều này khiến thị trường đặt câu hỏi về khả năng đánh giá tình hình kinh doanh và lập kế hoạch của ITA.
Bên cạnh đó, với cơ cấu tổ chức gồm nhiều công ty con, công ty liên kết và công ty đầu tư, việc giao dịch giữa các bên liên quan chiếm tỷ trọng đóng góp lớn trong cơ cấu doanh thu cũng khiến nhà đầu tư có sự e ngại về việc khó kiểm soát rủi ro chuyển lợi nhuận giữa các đơn vị thành viên trong Tập đoàn.
Cũng cần lưu ý thêm là, việc đã ghi nhận doanh thu cho thuê đất một lần trong năm 2019 và doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn giảm từ 859,9 tỷ đồng trước kiểm toán xuống 13,4 tỷ đồng sau kiểm toán đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng đến tình hình ghi nhận doanh thu của năm 2020.
Tại Báo cáo kiểm toán 2019, E&Y - đơn vị kiểm toán của ITA đã nhấn mạnh việc Công ty đã ghi nhận doanh thu một lần cho toàn bộ thời gian cho thuê đất tương ứng có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất 1 lần cho nhà nước, tuy nhiên đơn giá thuê đất giữa ITA và cơ quan quản lý địa phương chưa được xác định.
Như vậy, dù ITA đã trích trước 21,16 tỷ đồng tiền thuê đất phải nộp nhưng vẫn có rủi ro nghĩa vụ tài chính tăng thêm nếu tiền thuê đất thực tế cao hơn.
Về các khoản phải thu, trong cơ cấu tài sản của ITA, giá trị các khoản phải thu từ khách hàng lên đến 1.802,6 tỷ đồng, chiếm 13,6% tổng tài sản với 3/4 là giá trị các khoản phải thu dài hạn.
Ðáng chú ý, tỷ trọng phải thu của ITA có giá trị đến 1.287,1 tỷ đồng từ CTCP Ðầu tư và phát triển năng lượng Tân Tạo (TEDC) thuê đất của ITA tại Khu nhiệt điện Kiên Lương.
Ngoài ra, ITA còn có 72,1 tỷ đồng phải thu khác từ bên liên quan, bao gồm 55,5 tỷ đồng từ TEDC, 12,6 tỷ đồng từ CTCP Năng lượng Tân Tạo (TEC) và 3,9 tỷ đồng từ CTCP Năng lượng Tân Tạo 2 (TEC 2).
Tổng giá trị trích lập dự phòng phải thu khó đòi đến cuối năm 2019 là 163,2 tỷ đồng, trong đó có 140 tỷ đồng là từ các bên liên quan.
TDEC và TEC2 cũng chính là các khoản đầu tư tài chính lớn nhất của ITA. Giá trị đầu tư của ITA vào TDEC là 1.752,7 tỷ đồng, giữ 19% vốn cổ phần.
Riêng khoản đầu tư này đã chiếm 13,2% tổng tài sản hợp nhất của ITA. Với TEC2, giá trị đầu tư của ITA là 417,7 tỷ đồng, nắm giữ 10% vốn điều lệ.
TDEC và TEC2 hiện là 2 cổ đông lớn nhất, lần lượt sở hữu 72% và 14% vốn cổ phần của TEC - đơn vị phát triển Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương.
Ðây là dự án từng được kỳ vọng tạo nên bước đột phá cho ITA và các đơn vị liên quan, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 6,7 tỷ USD, riêng giai đoạn 1 đã có quy mô đầu tư 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, sau 8 năm kể từ khi được chấp thuận nguyên tắc, dự án này gần như không có nhiều biến chuyển trong tiến độ thực hiện. Ðến tháng 3/2016, dự án không được đưa vào danh sách phê duyệt các dự án điện theo Quyết định 428/QD-TTg của Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Ðến tháng 11/2018, UBND tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định thu hồi dự án.
Trong báo cáo kiểm toán 2019, E&Y cũng nhấn mạnh việc thu hồi các khoản phải thu, đầu tư lên đến 3.530 tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng tài sản của ITA tính đến cuối năm 2019 xoay quanh các đơn vị thành viên liên quan đến dự án Nhiệt điện Kiên Lương được Ban giám đốc ITA xác định dựa trên giả định dự án tiếp tục được thực hiện.
Với việc dự án đã đình trệ nhiều năm và hiện không được nằm trong phê duyệt của các cơ quan quản lý, khả năng “hồi sinh” dự án đang bị đặt dấu hỏi lớn, tương ứng nguy cơ tổn thất tài sản của ITA liên quan đến các khoản phải thu, đầu tư vào các đơn vị liên quan đến dự án này.
Tính đến 31/12/2019, chi phí xây dựng dở dang cho dự án ghi nhận trên báo cáo tài chính của ITA là 561,2 tỷ đồng.
Cũng đến cuối năm 2019, ITA còn 1.863 tỷ đồng khoản mục phải thu khác, chủ yếu bao gồm 1.213 tỷ đồng tạm ứng ngắn hạn không lãi suất, tăng 492 tỷ đồng so với đầu năm và 571,5 tỷ đồng tạm ứng cho CTCP Phát triển đô thị Việt Nam.
Không chỉ lớn về giá trị, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu tài sản, các khoản tạm ứng của ITA còn khá phức tạp khi bên nhận tạm ứng không chỉ là các đơn vị có quan hệ sở hữu vốn trực tiếp, đơn vị trong cùng Tập đoàn, mà còn gồm cả các tổ chức liên quan đến thành viên quản lý chủ chốt cũng như cá nhân là cổ đông khiến nhà đầu tư bên ngoài khó đánh giá.
ITA được biết đến là một trong những đơn vị tư nhân đầu tiên được trao quyền sử dụng đất để phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam từ năm 1996 với Khu công nghiệp Tân Tạo, TP.HCM, sau đó tiếp tục phát triển Khu công nghiệp Tân Ðức, Long An; đồng thời mở rộng phát triển các dự án bất động sản xung quanh địa bàn các khu công nghiệp, tập trung vào phân khúc đất nền tái định cư và chung cư như Khu dân cư Tân Ðức, Tân Tạo Plaza, E.City Tân Ðức…
ITA cũng là một trong những cổ phiếu khu công nghiệp đầu tiên được niêm yết trên sàn HOSE từ năm 2006, từng được kỳ vọng là khoản đầu tư hấp dẫn.
Tuy vậy, khó khăn của thị trường cùng những vấn đề phát sinh trong quá trình đầu tư mở rộng khiến thị giá ITA liên tục đi xuống. Ðầu năm 2020, có lúc thị giá cổ phiếu này xuống dưới 2.000 đồng/cổ phiếu.
Mặc dù đã có bốn phiên tăng điểm nhờ thông tin lợi nhuận đột biến, nhưng đà phục hồi bền vững của cổ phiếu này còn bị thách thức bởi nhiều yếu tố.
Ngoài câu chuyện rủi ro xung quanh dự án Kiên Lương sẽ ảnh hưởng trọng yếu đến bức tranh tài chính chưa được giải quyết, thì hoạt động kinh doanh của ITA đang đối mặt với thực tế là thị trường bất động sản dân dụng và khu công nghiệp phía Nam có tín hiệu hạ nhiệt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và dòng vốn tín dụng bị siết chặt.