Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chia sẻ một số vấn đề thường gặp đối với các DN trong quá trình thực hiện IR.
Nhận thức của Ban điều hành DN
Ban điều hành các DN hiện vẫn còn khá xa lạ với khái niệm IR hoặc cho rằng IR chỉ gói gọn trong việc tuân thủ các nguyên tắc báo cáo và công bố thông tin theo quy định. Chính điều này khiến cho hầu hết DN không đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác IR và không có bộ phận chuyên trách về IR. Ở hầu hết DN niêm yết hiện nay, thường chỉ có người phụ trách công bố thông tin của công ty và những người này còn kiêm nhiệm cả những vị trí khác trong công ty.
Bên cạnh đó, truyền thống văn hóa "hữu xạ tự nhiên hương" vẫn còn hằn sâu trong văn hóa DN của Việt Nam. Có rất nhiều công ty cho rằng, chỉ cần tập trung vào hoạt động kinh doanh chính là đủ, mà không quan tâm đúng mức đến công tác IR. Chính vì vậy, mặc dù đã được nhắc đến trong suốt 2 năm qua, nhưng rất ít DN thực hiện công tác IR đúng nghĩa.
"Công tác IR là một chiến lược quản lý, kết hợp giữa tài chính, truyền thông, marketing, tuân thủ Luật Chứng khoán, nhằm tạo nên mối liên hệ hai chiều hiệu quả giữa một DN, cộng đồng tài chính và các chính thể khác" (Học viện Quan hệ NĐT quốc gia Hoa Kỳ - NIRI).
IR giúp cải thiện hình ảnh, thương hiệu, uy tín, nâng cao giá trị DN trong cộng đồng đầu tư, giúp DN dễ dàng tiếp cận thị trường vốn, tăng tính thanh khoản và có thể huy động vốn với chi phí vốn rẻ hơn. Chỉ khi Ban điều hành nhận thức được tầm quan trọng của công tác IR và đưa công tác này vào công tác quản trị DN, thì công tác IR mới đạt hiệu quả.
Nhân sự thực hiện
Thực hiện công tác IR đòi hỏi rất nhiều kỹ năng về chuyên môn như tài chính - kế toán, truyền thông, TTCK, pháp luật về chứng khoán, đến những kỹ năng mềm như khả năng phân tích, truyền đạt và diễn thuyết. Quan trọng hơn là phải rất am hiểu về công ty, những ưu nhược điểm của công ty, cũng như của các DN cạnh tranh trong cùng ngành.
Thông thường, các DN lựa chọn người phụ trách công bố thông tin, hoặc phụ trách IR là các vị trí kiêm nhiệm về kế toán - tài chính. Điều này nhằm đảm bảo việc công bố thông tin (chủ yếu là thông tin tài chính) được kịp thời. Đây là một sự lựa chọn khôn ngoan, nhưng chưa đủ. Để thực hiện công tác IR một cách toàn diện thì một người kiêm nhiệm 2 vị trí sẽ không thể đảm trách được. Lời khuyên của chúng tôi là hãy xây dựng một ban IR gồm những nhân viên có phẩm chất nêu trên. Ban IR sẽ là bộ phận trực thuộc Ban điều hành của DN, có vai trò cầu nối thông tin giữa DN và cộng đồng NĐT.
Quy trình và kế hoạch thực hiện
Các DN hiện nay thực hiện công tác IR khá thụ động. Ngoài viêc tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin theo quy định của pháp luật về chứng khoán, quy chế công bố thông tin của Sở giao dịch, thì việc chủ động tiếp xúc, trao đổi thông tin với NĐT cũng còn hạn chế, chưa được lập kế hoạch cụ thể, bài bản và chưa được hoạch định thành công việc thường xuyên trong hoạt động của công ty.
Chỉ riêng về quy trình công bố thông tin theo quy định, thì các DN chưa xây dựng được quy trình thực hiện nhằm đảm bảo thông tin được tổng hợp từ các bộ phận nội bộ trong công ty một cách chính xác và chuyển tới bộ phận công bố thông tin một cách kịp thời. Điều này dẫn đến các DN thường công bố thông tin chậm, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty trong cộng đồng NĐT.
IR không chỉ gói gọn trong việc công bố thông tin theo quy định, mà là cả một chiến lược quản lý và trao đổi thông tin giữa DN và cộng đồng đầu tư, marketing, tiếp thị hình ảnh của DN đến cộng đồng đầu tư. Do vậy, cần phải lên kế hoạch thực hiện, có tính toán đến từng đối tượng, thời gian triển khai, cách thức tiếp cận phù hợp với từng đối tượng trong cộng đồng đầu tư.
Những hoạt động cụ thể trong khuôn khổ công tác IR như roadshow, các buổi gặp gỡ hàng quý cập nhật tình hình kinh doanh, họp báo, bản tin công ty gửi NĐT…, chỉ được thực hiện khi có sự phân tích, đánh giá kỹ hiệu quả của những hoạt động này đối với các đối tượng khác nhau, bao gồm NĐT cá nhân, tổ chức, CTCK, báo chí chuyên ngành, cơ quan quản lý...
Thiếu sự đánh giá và am hiểu về cộng đồng đầu tư
TTCK có nhiều thành phần tham gia với nhu cầu thông tin, cách tiếp cận và cách xử lý thông tin khác nhau. Vậy nhưng, hiểu biết của các DN niêm yết về lĩnh vực này còn khá hạn chế, do chưa để tâm tìm hiểu, cũng như chưa có nhiều sự cọ xát, tiếp xúc. NĐT cá nhân thường tiếp cận thông tin về DN thông qua phương tiện thông tin đại chúng hoặc tham khảo thông tin từ các chuyên viên môi giới, chuyên viên phân tích tại CTCK. Trong khi đó, NĐT tổ chức như quỹ đầu tư, công ty đầu tư thường trực tiếp đến gặp DN và coi trọng những buổi giao lưu đặt câu hỏi với ban lãnh đạo DN. Hiểu được mối quan tâm của từng đối tượng để có thể có cách tiếp cận phù hợp là rất quan trọng để thực hiện thành công công tác IR.
Vai trò của báo chí
Cần phải khẳng định, báo chí truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải thông tin về công ty đến cộng đồng đầu tư. Tuy nhiên, có thể vì nhiều lý do, các công ty hiện nay vẫn chưa sử dụng báo chí như một kênh truyền tải thông tin hữu hiệu trong công tác IR. Thực tế, vai trò của báo chí truyền thông trong việc truyền tải các thông tin về công ty hay cải chính các thông tin sai lệch về công ty là rất rõ rệt và hiệu quả. Do đó, công ty cần kết hợp công tác quan hệ công chúng với IR một cách hợp lý.
Trong một thị trường cạnh tranh như hiện nay, các DN không chỉ cạnh tranh trong chiến lược lược kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, mà còn cạnh tranh cả về phương diện tài chính, thu hút dòng tiền từ các NĐT để phục vụ cho phát triển. Do vậy, những DN có chiến lược IR toàn diện sẽ là người chiến thắng.