IPO Techcombank - Cơ hội hiếm có tiếp cận với ngân hàng có khả năng tăng vốn lớn

(ĐTCK) Hồi tháng 4/2018, Techcombank đã tạo kỷ lục mới trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam, khi bán thành công 164,1 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài với mức giá 128.000 đồng/cổ phiếu, thu về tổng số tiền xấp xỉ 922 triệu USD. Thương vụ IPO này đã thu hút sự tham gia của hơn 150 quỹ đầu tư trên thế giới. Chuyên gia Travis Lundy từ Quỹ Tư vấn đầu tư quốc tế Smart Karma, trụ sở tại Singapore đã cung cấp góc nhìn sâu hơn về thương vụ này.

Thương vụ IPO “nóng” nhất Việt Nam

Thị trường chứng khoán tại Việt Nam vẫn có triển vọng tốt. Các nhà đầu tư ngoại sẽ tiếp tục mua ròng qua sàn giao dịch tùy theo hạn mức luật pháp cho phép. Với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong khu vực châu Á (quý I/2018 trên 7,4%, đạt tốc độ tăng mạnh nhất trong một thập kỷ vừa qua), đặc điểm nhân khẩu học tích cực và lạm phát ổn định, FDI trên GDP tăng mạnh dựa vào tăng khả năng xuất khẩu, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn, với điều kiện thuận lợi, tốc độ đô thị hóa nhanh và lạm phát thấp. 

Hai chủ đề quan tâm chính của giới đầu tư là việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và đưa tên Techcombank vào danh sách của MSCI (Morgan Stanley Capital International) - Công ty uy tín chuyên cung cấp các công cụ phân tích tài chính.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có thể đáp ứng yêu cầu của MSCI với giao dịch hàng ngày đạt 400 triệu USD và tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết đạt trên 190 tỷ USD (vào thời điểm cuối tháng 3/2018). Vấn đề với các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay là thanh khoản và tiếp cận với cổ phiếu đang được giao dịch. Nhiều cổ phiếu có tỷ lệ sở hữu nước ngoài phù hợp sẽ dễ được mua hơn.  

Techcombank đang sở hữu những gì?

Cổ phiếu Techcombank sẽ chính thức niêm yết trên Thị trường chứng khoán từ ngày 4/6/2018 với mã TCB. Trước đây, TCB đang giao dịch với số lượng nhỏ trên sàn OTC, giao dịch tăng lên từ quý IV/2017 và tăng cao vào cuối quý I/2018 sau khi Techcombank tiếp nhận 370 triệu USD đầu tư của Warburg Pincus.

Được biết, Techcombank và các cổ đông hiện hữu đã bán 164 triệu cổ phiếu quỹ (mua lại cổ phiếu HSBC vào mùa thu năm ngoái) và cổ phiếu đang lưu hành với giá trị lên đến 922 triệu USD (120.000 – 128.000 đồng/cổ phiếu). Khi thương vụ này hoàn thành, số lượng cổ phiếu được đăng ký bán là 1,16 tỷ và giá trị vốn hóa thị trường khoảng 6,5 tỷ USD.

Các quỹ đầu tư muốn mua cổ phiếu TCB đều biết rõ câu chuyện của một ngân hàng dẫn đầu về số liệu minh bạch và quản trị điều hành. Techcombank là một trong hai ngân hàng ở Việt Nam công bố lợi nhuận theo quy định IFRS (Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế) từ năm 2015.

Trong số các ngân hàng lớn, Techcombank có chi phí thấp nhất, biên lãi thuần (NIMs) tốt, và đang thực hiện kế hoạch đầu tư mạnh vào công nghệ.

Techcombank cũng đang thực hiện kế hoạch bán chéo, và tập trung vào phân khúc trung thượng lưu ở thành thị sẽ đem lại hiệu quả cao.

Gần đây, cả Moody’s và S&P đã nâng hạng chỉ số huy động ngoại tệ và nội tệ của TCB lên mức B1, xếp hạng phát hành cổ phiếu bằng USD đạt B2, tương đương với mức xếp hạng quốc gia.

Thị trường dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng và Techcombank đang băng băng trên đà phát triển. Theo công bố vào ngày 20/4, lợi nhuận quý I/2018 đạt 2.050 tỷ đồng, mức tăng trưởng lợi nhuận trên 93%/năm, nằm ở ngưỡng trên của biên độ chào bán, giúp ngân hàng này đạt P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) là 18,5.

Năm 2017, trong số các ngân hàng Việt Nam, Techcombank có hệ số Lợi nhuận trên Tài sản (RoA) và Lợi nhuận trên Vốn chủ sở hữu (RoE) lần lượt là 22% và 2,1%, (sau khi loại trừ các giao dịch one-offs), tương đương với các ngân hàng tốt nhất của khu vực; là một trong những ngân hàng có tỷ lệ thu nhập phí thuần cao nhất (23%), có tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cao nhất (45%), và tỷ lệ chi phí trên thu nhập thấp nhất trong số các ngân hàng lớn của Việt Nam.

Techcombank dường như là điểm sáng trong các ngân hàng Việt Nam, khai thác tốt đầu tư về công nghệ và không ngừng thực hành giá trị cốt lõi “Lấy khách hàng làm trọng tâm”.

Tiềm năng để đầu tư vào cổ phiếu của Techcombank

Triết lý kinh doanh của Ngân hàng tập trung vào phát triển toàn bộ chuỗi giá trị. Ví dụ như ở bất động sản, nhiều hoạt động cho vay diễn ra nhanh chóng ở cấp chủ đầu tư.  Techcombank hướng đến toàn bộ chuỗi giá trị - cho vay nhà cung cấp cho chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà thầu, và các khoản vay thế chấp.

Ngân hàng tập trung vào khách hàng có thu nhập cao (thu nhập hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên) và phân khúc thu nhập khá (200 triệu – 1 tỷ đồng/năm) có tiền gửi tiết kiệm, có nhu cầu sử dụng sản phẩm thứ hai và thứ ba (như bảo hiểm và thế chấp), hướng tới việc bán thêm và bán chéo thường xuyên. 

Khi Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh, mảng Khách hàng Doanh nghiệp và Khách hàng cá nhân có thu nhập cao là nơi có nhiều tiềm năng để cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Techcombank tìm kiếm những công ty hàng đầu trong một ngành kinh doanh đặc thù, sau đó hướng tới phục vụ cả hệ sinh thái. Điều này khiến cho các công ty khác hoạt động trong ngành đó tìm đến Techcombank để xem ngân hàng có hỗ trợ hệ sinh thái của mình hay không.

Theo lý thuyết, nếu Techcombank có thể tạo ra một kênh giao dịch duy nhất cho tất cả nhu cầu ngành dọc của một lĩnh vực kinh tế, thì ngân hàng này sẽ  a) có thể đảm bảo là không có trở ngại nào, và b) có thể có lợi nhuận tốt khi giúp được công ty kinh doanh. Tư duy này tự nhiên sẽ dẫn Techcombank đến hoạt động kinh doanh với giới siêu giàu.

Theo Frost & Sullivan, tỷ lệ khách hàng trung thành với Ngân hàng khá cao và tập trung ở một số phân khúc, 35% thị phần phân khúc giàu có và 7% phân khúc thu nhập khá của quốc gia. Nhóm khách hàng này chỉ chiếm 4% trong tổng 5.4 triệu khách hàng của Techcombank, nhưng đóng góp đáng kể cho TOI.

38% khách hàng giao dịch với Ngân hàng từ 3 năm trở lên, 25% khách hàng bán lẻ đang sử dụng hơn 3 sản phẩm của Techcombank, và 91% khách hàng sử dụng 2 sản phẩm tính đến cuối năm 2017. 

Thu nhập phí thuần trên mỗi khách hàng có thu nhập cao đang giao dịch với Techcombank tăng lên 12,1 triệu đồng (tăng trên 300% từ năm 2015), trong khi đó tổng thu nhập hoạt động trên mỗi khách hàng giàu có tăng gấp đôi, đạt 38,2 triệu đồng từ 2015 đến 2017. Đây là một mức tăng lớn chủ yếu nhờ vào biên lãi thuần cao từ cho vay mua Bất động sản. 

Định giá cổ phiếu TCB có phù hợp không?

Từ góc độ lợi nhuận trên một cổ phiếu (EPS), không tính đến tác động của IFRS9, dường như Techcombank sẽ giao dịch tốt trên và dưới 17x theo báo cáo về EPS năm 2017.

Techcombank là ngân hàng có

-  Tỷ lệ giao dịch qua thẻ tín dụng VISA cao nhất.

-  Tỷ lệ CASA gần như cao nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam (đứng thứ 2).

-  Thị phần sản phẩm bảo hiểm kết hợp ngân hàng đứng số 1 (TCB ký thỏa thuận hợp tác chiến lược 15 năm với Manulife Việt Nam).

-  Tập trung vào cho vay nhà dự án.

-  Có tổng thu nhập hoạt động (TOI)/nhân viên cao nhất trong số các ngân hàng Việt Nam cao hơn 50% so với ngân hàng giữ vị trí số 2.

-  Là một trong những ngân hàng có tỷ lệ dự phòng cao nhất (2,4%) và tỷ lệ nợ xấu thấp nhất (1,6% tính đến 31/12/2017) và được xếp hạng tín dụng cao nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần (trước kỳ nâng hạng gần nhất). Hiện nay, TCB đã xử lý xong nợ bán sang VAMC và hoàn thành trích lập dự phòng cho các khoản nợ cũ.

Techcombank dẫn đầu trong các phân khúc tăng trưởng cao

-  Vay thế chấp bất động sản giúp CAGR (lợi nhuận gộp) tăng 17%, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp (tương đương 6% GDP và 30% hộ gia đình).

-  TCB dẫn đầu về giao dịch thẻ VISA, phân khúc giúp CAGR tăng 37% và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong mảng này.

-  Kinh doanh bảo hiểm kết hợp với sản phẩm ngân hàng giúp tăng CAGR 25 - 30%. TCB đang dẫn đầu mảng kinh doanh này.

-  Cho vay mua xe tăng trưởng 15% và đang tiếp tục tăng trưởng.

-  TCB lựa chọn phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn và ngân hàng giao dịch.

-  TCB là nhà môi giới trái phiếu hàng đầu trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM với trên 80% thị phần. Đây là mảng kinh doanh phát triển rất nhanh.

-  TCB là nhà thu xếp trái phiếu doanh nghiệp số 1.

-  Ngân hàng này bán rất nhiều trái phiếu cho khách hàng siêu giàu qua kênh bán lẻ.

-  Trong hoạt động cho vay doanh nghiệp, TCB hiểu rõ khách hàng của mình, hướng đến chu kỳ vốn lưu động thay vì chu kỳ đầu tư dài hạn trên bảng cân đối kế toán. Tài sản dài hạn hơn đang bắt đầu được chuyển đổi thành trái phiếu.

Uyên Linh (Theo chuyên gia Travis Lundy, từ Quỹ Tư vấn đầu tư SmartKarma)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục