IPO Licogi, những dự án bất động sản "đắp chiếu" có hấp dẫn nhà đầu tư?

Những dự án bất động sản triển khai dang dở của Licogi trên khắp cả nước là “của để dành” mà nhà đầu tư trông đợi trong đợt IPO ngày 13/4 tới.
Diện tích trên 35 ha của Dự án Khu đô thị Thịnh Liệt có đủ hấp dẫn giới đầu tư bỏ tiền vào Licogi?

Với lợi thế của doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và phát triển hạ tầng, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) là chủ đầu tư hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn cả nước.

Dù nhiều trong số các dự án này không được chủ đầu tư triển khai đến đầu đến đũa, nhưng đây lại là “của để dành” hấp dẫn giới đầu tư trông tới tham dự IPO Licogi ngày 13/4 tới đây.

Bất động sản có quy mô lớn nhất tại Hà Nội của Licogi tính đến thời điểm này là Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Dự án này có quy mô 35,16 ha trên địa bàn các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ và Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Trong đó, đất ở thấp tầng gồm nhà vườn và nhà biệt thự là 6,15 ha; đất ở cao tầng là 9,51 ha với 6 cụm chung cư có ký hiệu từ CT3 đến CT8 với chiều cao từ 14 – 15 tầng.

Khu đô thị Thịnh Liệt có tổng mức đầu tư ban đầu là 2.000 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng. UBND TP. Hà Nội đã nhiều lần nhắc nhở, phê bình chủ đầu đầu tư chậm triển khai dự án này nhưng với năng lực của mình, chủ đầu tư mới giải phóng được khoảng 30 ha trên tổng diện tích dự án là 35,16 ha.

Trước đó, năm 2002, Licogi cũng “xin” được một dự án bất động sản quy mô 63 ha là Khu đô thị mới Nam ga Hạ Long. Đây là dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) của gói thầu đường bao biển từ Cột 5 đến Cột 8, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, dự án đã “ngót” lại, chỉ còn 33 ha trên địa bàng phường Hà Khẩu, Giếng Đáy và Hùng Thắng (Tp.Hạ Long). Tuy nhiên, đến nay, dự án cũng chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng.

Cũng tại Quảng Ninh, Licogi còn 1 dự án bất động sản khác trong tình trạng triển khai dang dở là Khu đô thị Yên Thanh, phường Yên Thanh, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Việc có tiếp tục triển khai dự án khu đô thị có diện tích 27,5 ha này vẫn là câu hỏi lớn với Licogi vì đến nay, sau nhiều năm được cấp phép đầu tư, dự án hầu như không có tiến triển nào đáng kể. 

Ngoài các dự án kể trên, Licogi còn có cổ phần tại một số dự án bất động sản do các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư như: Khu đô thị Minh Phương, quy mô 48 ha tại TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; Dự án Khu đô thị Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai do Licogi 16 làm chủ đầu tư; Dự án Khu đô thị  Cà Mau, TP. Cà Mau do Licogi 19 làm chủ đầu tư; Dự án Khu nhà ở, văn phòng cao cấp và căn hộ cho thuê tại Hà Nội do Licogi 13 làm chủ đầu tư…

Trong số các dự án do công ty thành viên của Licogi làm chủ đầu tư, nhiều đơn vị đã cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán, tỷ lệ sở hữu của Licogi tại những công ty này là không đáng kể (từ 2% đến dưới 30%).

Mức giá mà thị trường “phán quyết” với cổ phần của Licogi như thế nào còn phải chờ ở phiên đấu giá trong ngày 13/4 tới đây. Tự thân Licogi, doanh nghiệp chỉ đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên mức 900 tỷ đồng sau đợt IPO này.

Hà Quang
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục