Theo ông, đâu là điểm tích cực của kinh tế Việt Nam trong năm 2008 và những thách thức trong năm 2009?
Năm 2008 là năm đầy thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Lạm phát và thâm hụt thương mại tăng cao là mối quan tâm chính, đặc biệt là trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, thành thực mà nói, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc giải quyết khó khăn kinh tế vĩ mô. Tình hình đã được cải thiện và tôi đánh giá cao hành động nhanh nhạy từ phía cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam.
Cùng với tiến trình hội nhập, nền kinh tế Việt Nam có mối liên kết ngày càng sâu rộng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đã là một phần của nền kinh tế thế giới. Trong năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, khiến nhiều đầu tàu kinh tế thế giới bước vào suy thoái. Việt Nam không nằm ngoài vòng ảnh hưởng, rõ nhất là trong hoạt động xuất khẩu và đầu tư. Đối phó với nguy cơ này, thiết nghĩ, chính sách kích cầu kinh tế từ Chính phủ nên hướng tới việc giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài. Theo tôi, trọng tâm là việc duy trì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực.
Đâu là sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam, thưa ông?
Sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam đến từ sự non trẻ, còn nhiều tiềm năng tăng trưởng và mở rộng. TTCK Việt Nam có điểm tựa tốt bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng cao nhất trong khu vực (ít nhất là 5% trong năm 2009). Sức hấp dẫn còn ở chỗ, không phải tất cả các ngành kinh tế Việt Nam đều đã có đại diện tham gia vào TTCK. Việc niêm yết nhiều công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau trên thị trường sẽ góp phần thu hút nhiều vốn đầu tư hơn nữa vào TTCK.
Cuộc IPO Vietinbank gần đây đã thành công, nhưng không có nhiều nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) quan tâm. Theo ông, sắp tới việc IPO các doanh nghiệp lớn, ngân hàng và tổng công ty nên tiến hành ra sao để thu hút nhà ĐTNN?
Thị trường vốn Việt Nam còn khá non trẻ, vì vậy tôi cho rằng, các chính sách liên quan đến IPO và cổ phần hóa đang trong quá trình hoàn thiện. Các đợt IPO gần đây cho thấy, mối quan tâm từ nhà đầu tư trong nước lẫn các định chế tài chính ngoài nước là khá thấp. Điều này dễ hiểu, nhà đầu tư nội địa và quốc tế phải thận trọng khi bỏ thêm tiền vào cổ phiếu, nhất là thị trường vốn đang có quá nhiều biến động.
Theo tôi, trong năm 2009, các tổng công ty nhà nước, tập đoàn lớn nếu tiến hành cổ phần hóa, họ cần hiểu rõ sức cầu của thị trường và cân nhắc kỹ về giá khởi điểm. Để đợt IPO thành công, doanh nghiệp cần hoàn thiện chính sách về quản trị, minh bạch hóa thông tin. Việc đáp ứng nhu cầu thông tin cho nhà đầu tư sẽ góp phần giúp đợt IPO thành công. Bởi lẽ, nếu được cung cấp đầy đủ thông tin, nhà đầu tư sẽ hiểu rõ hơn về doanh nghiệp, có quyết định chính xác trong việc định giá doanh nghiệp và cổ phiếu.
Chúng ta có thể học được gì từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay?
Trên góc độ công ty, nếu có điều gì học hỏi được từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì đó chính là quản trị rủi ro. Đây luôn được xem là một phần rất quan trọng trong bất kỳ quyết định đầu tư nào. Nhờ quản trị rủi ro tốt, bất chấp những biến động trên thị trường toàn cầu gần đây, Manulife vẫn duy trì định mức tín nhiệm AAA đã đạt được. Sự sụt giảm của TTCK Việt Nam khiến các công ty phải đánh giá lại mô hình kinh doanh đa ngành, cụ thể như đầu tư tài chính - một xu hướng phổ biến mà rất nhiều công ty tham gia trong giai đoạn 2006 - 2007 khi thị trường tăng trưởng nóng. Đối với nhà đầu tư cá nhân Việt Nam, sự sụt giảm của TTCK trong năm 2008, theo cách nào đó, đã giúp nâng tầm nhận thức của họ. Từ bài học này, nhà đầu tư nên nhìn nhận 2 chiều, các yếu tố rủi ro và lợi nhuận khi tiếp cận TTCK.
Trong thời gian tới, Manulife có dự định huy động thêm vốn hay cung cấp các dịch vụ mới trên thị trường Việt Nam?
Tại Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Việt Nam (MVFM), chúng tôi đang cân nhắc lựa chọn một số cơ hội đầu tư, tuy nhiên chưa thể nói chi tiết hơn tại thời điểm này. Điều mà tôi có thể chia sẻ lúc này là Manulife cam kết hoạt động lâu dài tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi đang tiếp tục xây dựng các nguồn lực cần thiết để nắm bắt cơ hội kinh doanh trong tương lai.