Trên các trang thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Sendo hay Shopee, nhiều gian hàng bán điện thoại xách tay đăng thông tin khuyến mại iPhone với mức giảm lên tới hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là chiêu trò giảm giá ảo để dụ dỗ khách hàng.
Tìm kiếm với từ khóa "iPhone 11 Pro Max 64 GB" trên các sàn thương mại điện tử, người dùng có thể lọc ra được hàng chục sản phẩm với mức giá khác nhau, dao động từ 27-38 triệu đồng.
Tại gian hàng MRC** trên Lazada, chiếc iPhone 11 Pro Max phiên bản 64 GB hàng quốc tế xách tay từ thị trường Mỹ (mã LL/A) nguyên seal được quảng cáo là giảm giá 14%, từ 44 triệu đồng xuống còn 37,3 triệu đồng.
Chiêu trò "làm giá" để thu hút sự chú ý
Vẫn với từ khóa tìm kiếm trên với sàn Sendo và Tiki, gian hàng Phonesto****** chào bán máy với giá 28 triệu đồng, giảm 25% từ mức giá 37 triệu đồng trước đó.
Gian hàng Thoc**** trên sàn Shopee cũng "chơi chiêu" tương tự khi thông báo giảm giá 25%, từ 52 triệu đồng xuống còn 39 triệu đồng cho mẫu iPhone 11 Pro Max 64 GB. Mức giảm này lên tới 13 triệu đồng.
Trong khi đó, iPhone 11 Pro Max hàng xách tay nguyên seal đang được các cửa hàng tại Việt Nam chào bán với giá dao động khoảng 26,5-27 triệu đồng cho phiên bản 64 GB. Có thể thấy, mức giá của các gian hàng trên không những không giảm mà còn đang cao hơn giá bán trên thị trường.
Zing.vn cũng thử tìm kiếm một số model khác như iPhone XS Max và iPhone 11. Kết quả thu về cho thấy tình trạng giảm giá ảo vẫn xuất hiện tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Mức giá sau khi đã giảm của những sản phẩm này thậm chí còn cao hơn giá bán trung bình trên thị trường.
"Không chỉ Black Friday, mỗi dịp lễ hoặc có các chương trình khuyến mại, nhiều gian hàng thường dùng chiêu này để thu hút sự chú ý từ người dùng", đại diện truyền thông Sendo nói với Zing.vn.
Giá bán của mẫu iPhone 11 Pro Max 64 GB bị đẩy lên cao. Ảnh chụp màn hình.
Người này cho biết thêm Sendo đã tích hợp hệ thống AI để hạn chế tình trạng giảm giá ảo. "Chúng tôi đang kiểm tra lại hệ thống", người này chia sẻ.
"Việc định giá sản phẩm đăng bán do mỗi người bán tự quyết định dựa trên chiến lược, chi phí, và hiệu quả kinh doanh. Tại các gian hàng bán, chúng tôi cho phép hiển thị mức độ uy tín của gian hàng thông qua các chỉ số như tỷ lệ phản hồi, tỷ lệ đánh giá chất lượng, đánh giá từ người mua trước. Người dùng có thể dựa vào đó để đưa ra quyết định mua hàng", đại diện Shopee trả lời Zing.vn.
Zing.vn cũng đã liên hệ với Lazada và Tiki nhưng chưa nhận được phản hồi.
Người dùng cần tỉnh táo, tránh sập bẫy giảm giá
Black Friday là ngày thứ sáu sau Lễ Tạ Ơn. Từ năm 1932, sự kiện này được coi là khởi đầu cho mùa mua sắm Giáng sinh ở Mỹ, mùa mua sắm lớn nhất trong năm.
Trong vài năm trở lại đây, nhiều đơn vị tại Việt Nam cũng tham gia vào sự kiện này. Tuy nhiên, các chương trình khuyến mãi không nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dùng, đặc biệt là về vấn nạn giảm giá ảo.
Vì thế, không ít người vẫn chấp nhận rủi ro cùng chi phí cao để thuê các bên trung gian vận chuyển hàng mua từ Mỹ về.
Trên thực tế, không chỉ trong ngày Black Friday, chiêu trò "làm giá" sản phẩm này được nhiều cửa hàng kinh doanh áp dụng vào mỗi dịp xả hàng. Vì vậy, trước khi quyết định mua một mặt hàng, người dùng có thể so sánh giá của sản phẩm đang sale với giá thị trường hoặc giá tại một số cửa hàng khác.
Chị Vũ Hoài Phương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), một người chuyên nhận order hàng nước ngoài cho biết để tránh sập bẫy khuyến mãi ảo của các cửa hàng, người mua không nên quá chú tâm vào con số giảm giá bao nhiêu phần trăm.
"Thay vào đó, trước khi quyết định mua một mặt hàng, người dùng có thể so sánh giá của sản phẩm đang sale với giá thị trường hoặc giá tại một số cửa hàng khác. Ngoài ra, bạn cũng nên mua tại các gian hàng có uy tín với số điểm đánh giá cao và đọc phản hồi từ những người từng mua", chị Phương nói.