Indonesia sẽ giữ lãi suất ở mức 5,75% cho đến hết năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) được các chuyên gia kinh tế dự báo rằng sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5,75% lần thứ năm liên tiếp trong cuộc họp chính sách vào thứ 5 tới.
Indonesia sẽ giữ lãi suất ở mức 5,75% cho đến hết năm 2023

Các chuyên gia cũng dự báo BI sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản trong thời gian còn lại của năm 2023, do lạm phát của Indonesia đã giảm trong tháng 5 và dự kiến ​​sẽ tiếp tục giảm.

Sau khi đạt đỉnh ở mức 6% vào tháng 9/2022, lạm phát tại Indonesia đã giảm dần sau khi BI tăng lãi suất điều hành thêm tổng cộng 225 điểm cơ bản. Hiện tỷ lệ lạm phát lõi (không bao gồm giá lương thực thường xuyên biến động) đã giảm từ mức 2,83% của tháng 4 xuống còn 2,66% trong tháng 5, thấp hơn mức dự báo được các chuyên gia đưa ra trước đó là 2,8%. Điều này cho thấy BI có thể chờ đợi và tạm ngừng việc tăng lãi suất ngay cả khi các Ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tất cả 34 nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Reuters đều kỳ vọng Ngân hàng trung ương Indonesia sẽ giữ nguyên lãi suất cho vay ngắn hạn trong cuộc họp chính sách tới.

Gần 2/3 số người được hỏi, tương đương 15 trong số 23 nhà kinh tế, cho biết lãi suất chính sách sẽ duy trì ở mức hiện tại trong thời gian còn lại của năm 2023, trong khi chỉ 8 nhà kinh tế dự đoán BI ​​sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.

"Ngân hàng trung ương Indonesia là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trong khu vực tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ vào đầu năm nay. Chúng tôi tin rằng, BI sẽ tiếp tục tạm dừng tăng lãi suất để hỗ trợ cho đồng rupiah của Indonesia", Nicholas Mapa, nhà kinh tế cấp cao tại ING cho biết và nói thêm, BI sẽ "chỉ xem xét việc cắt giảm lãi suất chính sách nếu các ngân hàng trung ương toàn cầu cũng lựa chọn phương án nới lỏng chính sách tiền tệ".

BI dự kiến ​sẽ giữ nguyên mức lãi suất cơ bản trong thời gian còn lại của năm vì việc cắt giảm lãi suất sẽ dẫn đến việc đồng tiền Indonesia yếu hơn và gây bất lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng rupiah của Indonesia, là một trong những đồng tiền châu Á hoạt động tốt nhất, đã tăng hơn 4% so với đồng USD trong năm nay.

"Mặc dù động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương Indonesia có thể là cắt giảm lãi suất, nhưng thời điểm thực hiện chính sách này sẽ phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài. Ví dụ như khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phát đi tín hiệu chắc chắn hơn về việc tạm dừng tăng lãi suất. Chúng tôi dự đoán đợt cắt giảm lãi suất cơ bản đầu tiên của BI sẽ là vào năm 2024", Khoon Goh, trưởng bộ phận nghiên cứu về châu Á tại ANZ cho biết.

Các nhà kinh tế cũng dự báo BI sẽ giảm lãi suất với tỷ lệ 25 điểm cơ bản, xuống còn 5,5% trong quý I/2024, giảm nhẹ so với các dự báo trước đó rằng BI sẽ giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong một cuộc thăm dò hồi tháng 5.

Diệp Anh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục