Chính thức được thành lập vào ngày 22/7/1944 trong "bóng tối" của Thế chiến thứ 2, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) mang trong mình sứ mệnh xây dựng lại khu vực châu Âu và sau này là Nhật Bản, đồng thời chặn đứng các cuộc xung đột kinh tế, vốn là nguyên nhân chính dẫn đến chiến tranh.
Tuy nhiên đến nay, sau 75 năm hình thành và phát triển, IMF và WB lại đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích vì sự bất lực trong việc ngăn chặn khủng hoảng và thậm chí còn khiến cho cuộc sống của nhiều người dân trở nên tồi tệ hơn.
Mặc dù những lời chỉ trích không phải lúc nào cũng công bằng và hai thể chế tài chính này đều đã rất cố gắng thay đổi hình ảnh trong những năm gần đây, song cả IMF và WB vẫn cần nhiều hơn một chiến lược truyền thông tốt, giữa bối cảnh họ đang phải đối mặt với làn sóng chống lại tiến trình toàn cầu hóa và sự chuyển đổi công nghệ.
Bên cạnh đó, việc giúp khu vực châu Phi vượt qua giai đoạn chuyển đổi với nhu cầu đầu tư hạ tầng và kiến tạo việc làm lớn để theo kịp tăng trưởng dân số cũng đang là một trong những vấn đề gây nhức nhối.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass khẳng định "những thách thức là rất lớn,” bởi vì trong quá trình phát triển, WB từ khái niệm ban đầu là tái thiết và phát triển, nay đã có thêm nhiệm vụ xóa đói và giảm nghèo.
Trong khi đó, đối với IMF, những thành tựu mà họ đạt được khá nghèo nàn và được "tô điểm" bởi một loạt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Đó là khủng hoảng nợ ở Mỹ Latinh vào những năm 1980, khủng hoảng châu Á và Nga trong những năm 1990 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007. Trong đó, cuộc khủng hoảng năm 2007 chính là điểm khởi đầu của một cuộc Đại suy thoái mà đến nay vẫn còn ám ảnh nền kinh tế thế giới.
Trong mỗi cuộc khủng hoảng kể trên, những ảnh hưởng và thiệt hại kéo dài trên một thập niên và IMF bị đổ lỗi vì đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn với các yêu cầu và lời khuyên chính sách cứng nhắc, mà thường có xu hướng thiên vị lợi ích của các doanh nghiệp ở nước giàu hơn là những nơi nghèo khó.
Mặc dù vậy, có một điểm đáng ghi nhận là tỷ lệ nghèo đói cùng cực đã giảm mạnh trên toàn thế giới - với mức giảm khoảng một tỷ người kể từ năm 1990.
Nhận định về vấn đề này, Masood Ahmed, quan chức từng làm việc luân phiên tại IMF-WB và hiện đang là người đứng đầu Trung tâm Phát triển Toàn cầu - một tổ chức nghiên cứu về chống đói nghèo, cho biết: "Trong lịch sử, chưa bao giờ cả thế giới được chứng kiến nhiều tiến bộ trong việc cải thiện cuộc sống của người dân như chúng ta đã thấy trong 75 năm qua.”
Tuy nhiên, hai thể chế tài chính này đã không tính đến tầm quan trọng của việc phát triển từ điểm cốt lõi.
(Nguồn: stockworld.com.ua).
Theo chuyên gia Ahmed, thế giới đang hoạt động rất tốt ở tầm vĩ mô và có rất nhiều người đã thoát nghèo, song chúng ta quên mất một sự thật rằng ngày nay có rất nhiều người đang ngày càng khó chịu với tốc độ thay đổi chóng mặt của mọi thứ."
Chuyên gia Malpass đã chỉ trích việc áp đặt chương trình Đồng thuận Washington - một chương trình cải cách kinh tế bao gồm 10 chính sách khác nhau được các tổ chức đóng trụ sở tại Washington như IMF, WB và Bộ Tài chính Mỹ đề nghị áp dụng ở tất cả những nước trải qua khủng hoảng kinh tế, trong đó chú trọng việc tư nhân hóa và cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu, việc làm trong chính phủ.
Thay vào đó, ông muốn tập trung vào các chương trình nhằm tìm ra điều tốt nhất cho mỗi quốc gia: "Tôi muốn nó (WB) ngày càng hiệu quả trong việc giúp các quốc gia tìm ra con đường phát triển và mang lại kết quả tốt đẹp cho người dân của những quốc gia đó."
Trong khi đó, cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương Mexico và từng là Phó Giám đốc điều hành của IMF Agustin Carstens lại đánh giá cao IMF và WB vì đã cung cấp sự giám sát cần thiết.
Theo chuyên gia này, những tư vấn chính sách của cả hai thể chế tài chính này đã ngăn chặn nhiều cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ IMF được thành lập khi nền kinh tế ở trong giai đoạn khó khăn nhất, khi tất cả các nguồn tài chính khác đã không còn và không có lựa chọn tốt.
Chuyên gia này quan ngại rằng cả IMF-WB sẽ phải đối mặt với rủi ro không thể theo kịp đà phát triển kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, sự cải cách là cần thiết để đảm bảo tính hợp pháp tốt hơn cho những lời khuyến nghị mà các tổ chức này đưa ra.