IMF nâng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu 2021 lên 6%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang kỳ vọng sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn vào năm 2021 khi việc triển khai vắc xin Covid-19 đang được tiến hành, nhưng IMF cũng cảnh báo về “những thách thức khó khăn” do tỷ lệ tiêm vắc xin khác nhau trên toàn cầu.
IMF nâng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu 2021 lên 6%

Hôm thứ Ba (5/4), IMF cho biết họ dự kiến ​​nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 6% vào năm 2021, tăng từ mức dự báo 5,5% vào tháng 1. Bên cạnh đó, IMF cũng dự báo GDP toàn cầu cho năm 2022 sẽ tăng 4,4%, cao hơn so với ước tính trước đó vào tháng 1 là 4,2%.

Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF cho biết trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới nhất rằng: “Ngay cả khi có sự không chắc chắn cao về đường đi của đại dịch, một lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe này ngày càng rõ ràng”.

Theo đó, gói kích thích tài chính mới nhất ở Mỹ cùng với việc triển khai vắc xin trên toàn thế giới đã khiến IMF tự tin hơn về nền kinh tế toàn cầu trong năm nay.

“Tuy nhiên, bên cạnh triển vọng là những thách thức khó khăn liên quan đến sự khác biệt trong tốc độ phục hồi cả trong và ngoài nước và khả năng thiệt hại kinh tế dai dẳng từ cuộc khủng hoảng”, bà Gopinath nói thêm.

IMF ước tính GDP các nền kinh tế tiên tiến sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm nay, trong đó Mỹ tăng 6,4%.

Trong khi đó, dự báo của IMF về tăng trưởng GDP của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển là 6,7% cho năm 2021, đặc biệt Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tăng 12,5%.

“Bất bình đẳng về thu nhập trong nước có thể sẽ gia tăng vì lao động trẻ và những người có kỹ năng tương đối thấp hơn vẫn bị ảnh hưởng nặng nề hơn ở không chỉ các thị trường tiên tiến mà còn cả các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển”, bà Gopinath cảnh báo và nói thêm rằng mức độ lao động nữ thấp hơn cũng làm trầm trọng thêm sự chênh lệch về bất bình đẳng thu nhập.

Do đó, IMF cho rằng các chính phủ nên tiếp tục tập trung vào việc “thoát khỏi khủng hoảng bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính và cả hệ thống chăm sóc sức khỏe. Trong giai đoạn thứ hai, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần hạn chế vết sẹo kinh tế dài hạn từ cuộc khủng hoảng và thúc đẩy đầu tư công”.

“Nếu không có những nỗ lực bổ sung để mang lại cho tất cả mọi người một cơ hội công bằng, khoảng cách giữa các quốc gia về mức sống có thể gia tăng đáng kể và xu hướng giảm nghèo toàn cầu kéo dài hàng thập kỷ có thể đảo ngược”, bà nói thêm.

Kinh tế Mỹ phục hồi

Trái ngược với phần lớn thế giới có khả năng mất nhiều thời gian hơn để trở lại mức trước khủng hoảng đại dịch, các dự báo mới nhất cho thấy rằng Mỹ có đủ khả năng trải qua một sự phục hồi kinh tế vững chắc vào năm 2021.

Đánh giá tích cực của IMF đối với Mỹ được thúc đẩy mạnh mẽ bởi gói giải cứu trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden có hiệu lực vào tháng 3 vừa qua.

Các dự báo mới nhất của IMF xác nhận rằng Mỹ đang trên đà không chỉ quay trở lại mà còn vượt qua mức trước đại dịch Covid trong năm nay.

“Trong số các nền kinh tế tiên tiến, Mỹ dự kiến ​​sẽ vượt qua mức GDP trước Covid trong năm nay, trong khi nhiều nước khác trong nhóm sẽ chỉ trở lại mức trước Covid vào năm 2022”, bà Gopinath nói thêm.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục