Hôm thứ Sáu (21/5), IMF đã kêu gọi ít nhất 40% dân số toàn cầu được tiêm chủng vắc xin vào cuối năm 2021 và ít nhất 60% vào tháng 6/2022.
Tuy nhiên, theo Our World in Data, chỉ khoảng 9,5% dân số toàn cầu đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19 cho đến nay.
IMF cho biết trong một báo cáo mới có tựa đề “Đề xuất chấm dứt đại dịch Covid-19” rằng: “Không quốc gia nào có thể trở lại trạng thái bình thường cho đến khi tất cả các quốc gia có thể đánh bại đại dịch”.
Để đạt được điều này, IMF cho biết cần phải có một nỗ lực toàn cầu để đầu tư thêm 50 tỷ USD nhằm thúc đẩy chương trình tiêm chủng toàn cầu. Số tiền bổ sung này sẽ được sử dụng để tăng tỷ lệ tiêm vắc xin lên mức 30% toàn cầu, mua sắm thêm các công cụ xét nghiệm và mở rộng năng lực sản xuất vắc xin.
Làm thế nào để có số tiền tài trợ này?
IMF gợi ý rằng ít nhất 35 tỷ USD có thể đến từ các nhà tài trợ công, tư và đa phương, phần còn lại đến từ các chính phủ, có khả năng được hỗ trợ bởi các cơ quan đa phương.
IMF cho biết đã có ít nhất 15 tỷ USD từ các cơ sở tài trợ của Covid-19 do các ngân hàng phát triển, như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á.
IMF cho biết vào tháng 4 rằng nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 6% trong năm nay và 4,4% vào năm 2022. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện, IMF đã cảnh báo về tác động không đồng đều từ cuộc khủng hoảng sức khỏe và cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo.
“Chi phí xã hội và kinh tế của đại dịch tiếp tục tăng và sự phục hồi vốn đã phân hóa giữa các quốc gia giàu và nghèo có vẻ sẽ trở nên tồi tệ hơn”, IMF cho biết.
Đề xuất này được đưa ra khi các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu tụ họp vào thứ Sáu (21/5) để thảo luận về cách hợp tác trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
"Chúng tôi tin rằng giải quyết đại dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", Mario Draghi, Thủ tướng Ý và là người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20.
Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cho biết cuộc họp nhằm thu thập các cam kết và đầu tư sẽ định hướng cho thập kỷ tiếp theo của hợp tác y tế toàn cầu.
Miễn bằng sáng chế
Một trong những chủ đề tranh luận gần đây nhất trong cuộc chiến chống lại virus là vấn đề từ bỏ bằng sáng chế.
Mỹ đã gây bất ngờ cho các nước châu Âu khi hồi đầu tháng này khi bày tỏ sự ủng hộ đối với việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19.
Tuy nhiên, EU không đồng ý và cho rằng tăng cường xuất khẩu vắc xin là giải pháp hiệu quả nhất trong ngắn hạn.
Mỹ và EU đã thực hiện các cách tiếp cận khác nhau để hỗ trợ các quốc gia khác. Mỹ đã ban hành luật chỉ cho phép họ xuất khẩu một lượng đáng kể vắc xin Covid-19 khi đáp ứng đủ nhu cầu vắc xin trong nước. Mặt khác, EU tuyên bố họ là nhà xuất khẩu vắc xin Covid-19 lớn nhất trên thế giới khi phân phối một nửa số lượng mà họ đã sản xuất đến các khu vực khác trên thế giới.