Trước đó, cập nhật các dự đoán tại Toàn cảnh kinh tế thế giới, ấn phẩm gần đây nhất là vào tháng 4, IMF kỳ vọng tăng trưởng sẽ bật lại trong thời gian còn lại của năm 2014, nhưng cảnh báo, rủi ro đi xuống vẫn còn là một lo ngại.
Với việc giảm dự báo nêu trên, năm 2014 có nguy cơ trở thành một năm gây thất vọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khi mà đà giảm ở những nền kinh tế như Brazil đã xuống những ngưỡng gây sốc.
Đối với năm 2015, Olivier Blanchard, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF cho biết, IMF chưa thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới. Tổ chức này tiếp tục dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 4% trong năm 2015.
Về nền kinh tế Mỹ, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế xuống còn 1,8% cho năm nay, từ dự báo tăng 2,2% đưa ra hồi tháng 4. Trong khi đó, Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn dự báo kinh tế sẽ tăng trưởng 2,2%.
“Lời khuyên chung là cuộc hồi phục chưa chắc chắn và cần được tiếp sức”, Blanchard nói. Ông cho rằng, các dấu hiệu đi lên ở Mỹ và châu Âu hiện đã đủ để bắt đầu lên kế hoạch cho các bước bình thường hóa chính sách tiền tệ, nhưng vẫn còn quá sớm để thực thi các chính sách này.
“Nếu bạn nhìn vào khu vực đồng euro, hoặc Nhật Bản, công cuộc hồi phục yếu hơn và có một sự ưu tiên rất lớn cho việc sử dụng chính sách tiền tệ càng nhiều càng tốt”, ông nói. IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho khu vực đồng euro ở mức 1,1% và tăng dự báo ở Nhật Bản từ 1,3% lên 1,6%.
IMF giảm dự báo tăng trưởng cho phần lớn các nền kinh tế mới nổi, trong đó dự báo cho Nga giảm từ 1,3% xuống 0,2% do khủng hoảng ở Ukraine, dự báo cho Trung Quốc giảm từ 7,6% xuống 7,4% và dự báo cho Brazil giảm từ 1,9% xuống 1,3%.
Khu vực Mỹ Latin cũng bị IMF hạ dự báo tăng trưởng. Theo Blanchard, vấn đề ở Brazil đó là nhu cầu đầu tư và tiêu dùng nội địa yếu.
“Chúng tôi nghĩ tình trạng này ở Brazil sẽ không chỉ kéo dài đến cuối năm, mà sẽ còn sang cả năm sau”, ông nói.
IMF cảnh báo, các rủi ro địa chính trị đã tăng lên kể từ tháng 4, như mối nguy hiểm của việc tăng giá dầu do những căng thẳng ở Trung Đông và Ukraine. Những rủi ro khác gồm lãi suất dài hạn tăng vọt, đặc biệt nếu FED thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự báo.
“Chúng tôi đang theo dõi sát sao các thị trường tài chính, vì lãi suất thấp sẽ làm nảy sinh mong muốn thử rủi ro để thu về lợi nhuận cao hơn”, Blanchard nói. “Hiện tại, chúng tôi không lo lắng lắm”.
IMF cho rằng, Anh sẽ là nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2014. Nền kinh tế này tiếp tục khiến các thị trường còn lại ngạc nhiên khi IMF tăng dự báo tăng trưởng cao hơn bất kỳ một nền kinh tế dẫn dắt nào. Cụ thể, kinh tế Anh sẽ tăng 3,2% trong năm 2014 và tăng 2,7% trong năm tiếp theo.
Đây là quý thứ 5 liên tiếp, IMF tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Anh, cho thấy tổ chức này đang tỏ ra lạc quan hơn về viễn cảnh nước Anh.
Bộ Tài chính Anh hoan nghênh động thái của IMF, các bộ trưởng thuộc Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ liên tiếp đưa ra các phát ngôn xung quanh động thái đó.
Danny Alexander, Tổng thư ký Bộ Tài chính và thuộc Đảng Dân chủ bày tỏ quan điểm tích cực trước động thái của IMF, tuy nhiên, ông cho rằng, vẫn còn một chặng đường dài để khôi phục lại những thiệt hại.
Hiệp hội Kỹ nghệ Anh quốc (CBI) dự đoán, kinh tế Anh sẽ tăng trưởng nhanh chóng. CBI đưa ra những chỉ số cho thấy, tăng trưởng của kinh tế nước này gần chạm đến ngưỡng cao kỷ lục của 10 năm trở lại đây.
Katja Hall, Phó tổng giám đốc CBI nói: “Có những dấu hiệu cho thấy, cuộc hồi phục giờ đây có những bước đi chắc chắn hơn, tăng trưởng diễn ra trên diện rộng hơn khi đầu tư kinh doanh đang tăng mạnh”.
Các chuyên gia kinh tế nhận xét, nền kinh tế Anh đang khá lạc quan, dù một số khu vực như sản xuất, xây dựng và bán lẻ gần đây đưa ra các con số suy giảm. Tuy nhiên, ngay cả khi nước Anh có khả năng vượt qua mức đỉnh của thời kỳ trước suy thoái, các tiêu chuẩn sống thực tế của các hộ gia đình vẫn thấp hơn nhiều mức đỉnh trước kia, vì dân số hiện lớn hơn thời kỳ năm 2008.