IMF công bố kết luận tham vấn Điều IV với Việt Nam, có đề cập tới dự trữ ngoại hối

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ban Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố kết luận tham vấn Điều IV với Việt Nam, trong đó về tình hình dự trữ ngoại hối.
Ảnh Shutter Ảnh Shutter

Vị thế đối ngoại của Việt Nam mạnh lên đáng kể

Theo IMF, Việt Nam bước vào năm 2020 sau một thời kỳ dài tăng trưởng cao. Ba thập kỷ cải cách vừa qua theo định hướng thị trường đã hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang nền kinh tế hiện đại dựa vào các ngành chế biến, chế tạo do các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dẫn dắt, đưa Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới trở thành nước có thu nhập trung bình thấp.

Trong những năm gần đây, với tăng trưởng GDP trung bình là 7%/năm và việc đặt trọng tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã giúp nâng cao mức sống và góp phần đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Theo IMF, hoạt động kinh tế vẫn diễn ra mạnh mẽ với lạm phát ổn định trong năm 2019, tốc độ các doanh nghiệp mới thành lập đạt mức cao nhất trong 6 năm. Những nỗ lực củng cố tài khóa đã giúp kiềm chế nợ công và nợ được chính phủ bảo lãnh ở mức 43% GDP, thấp hơn nhiều so với trần nợ công 65% theo luật định.

Cho dù các luồng thương mại đã chậm lại do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thặng dư cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam đã tăng lên 3,8% GDP do nhập khẩu nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian chậm lại rõ rệt, lượng khách du lịch tăng kỷ lục và dòng kiều hối lớn.

Vị thế đối ngoại của Việt Nam trong năm 2019 được đánh giá là mạnh hơn đáng kể so với mức độ cho phép của các yếu tố nền tảng do một số đặc trưng về cơ cấu.

Sau khi đại dịch Covid-19 tấn công, IMF cho rằng, các biện pháp quyết liệt đã được Chính phủ Việt Nam thực hiện để hạn chế tác động bất lợi đến sức khỏe y tế và kinh tế. Những nỗ lực sớm và phối hợp tốt đã giúp giảm giãn cách xã hội và giúp giảm thiểu áp dụng các gói hỗ trợ chính sách so với các quốc gia khác.

Ngoài ra, chính sách tài khóa đã tập trung hỗ trợ tạm thời cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình dễ bị tổn thương, trong khi chính sách tiền tệ được nới lỏng để duy trì thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng, giúp tăng trưởng GDP thực trong năm 2020 là 2,91%, thuộc nhóm các nước có tăng trưởng cao nhất trên thế giới.

Thặng dư cán cân vãng lai được dự báo sẽ thu hẹp xuống mức 2,2% GDP trong năm 2020 do doanh thu từ du lịch sụt giảm mạnh và lượng kiều hối yếu hơn chỉ được bù đắp một phần nhờ nhập khẩu chậm lại và chi trả thu nhập đầu tư thấp hơn.

Mặc dù đại dich để lại môt số tác động bất lợi kéo dài, nhưng nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi mạnh trong năm 2021 khi quá trình bình thường hóa các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước tiếp diễn. Các chính sách tài khóa và tiền tệ được kỳ vọng sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ, mặc dù ở mức độ thấp hơn so với năm 2020 và lạm phát được dự báo sẽ vẫn gần với mục tiêu của Chính phủ là 4%.

Tỷ giá linh hoạt giúp kinh tế điều chỉnh với sự thay đổi của môi trường bên ngoài

IMF lưu ý rằng, dù đã có cách đối phó rất tốt với đại dịch Covid-19, nhưng rủi ro kinh tế tăng trưởng chậm lại vẫn hiện hữu, nên cần thiết phải có các biện pháp để hạn chế tác động bất lợi lâu dài, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững, toàn diện và xanh hơn.

Trong đó, các giám đốc điều hành IMF nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp tài khóa giúp bảo vệ người lao động và các hộ gia đình dễ bị tổn thương thông qua việc cải thiện thực thi ngân sách và lựa chọn mục tiêu.

Khi kinh tế phục hồi một cách chắc chắn, việc điều chỉnh tài khóa từ từ nên tập trung vào huy động nguồn thu ngân sách để giúp tạo không gian tài khóa cho đầu tư cơ sở hạ tầng, chi an sinh xã hội và hỗ trợ tăng trưởng xanh hơn và bao trùm hơn.

Trong khi đó, chính sách tiền tệ vẫn nên duy trì vị thế chính sách nới lỏng, đồng thời vẫn để tâm đến tính dễ bị tổn thương khu vực ngân hàng.

"Cần rút dần những hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể trụ lại được và áp dụng trở lại những quy định phân loại nợ khi gia hạn nợ. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ những rủi ro tài chính và giải quyết kịp thời các khoản vay có vấn đề", các giám đốc điều hành IMF nhấn mạnh và cho rằng, các mục tiêu trung hạn cần bao gồm cải thiện khuôn khổ tái cơ cấu nợ khu vực tư nhân và cải thiện hơn nữa vốn của các ngân hàng trong bối cảnh áp dụng những quy định của Basel II.

Dù vị thế đối ngoại của Việt Nam về cơ bản mạnh hơn đáng kể so với mức độ cho phép của các yếu tố nền tảng và các chính sách mong muốn, các nhà lãnh đạo IMF vẫn khuyến nghị, cần nỗ lực cải cách một cách kiên định để loại bỏ các rào cản còn lại đối với đầu tư tư nhân và cải thiện lưới an sinh xã hội. Đồng thời, cần thận trọng trong việc giải thích các kết quả của mô hình Đánh giá Cán cân đối ngoại (EBA), vì có thể chưa nắm bắt đầy đủ các yếu tố cơ cấu đặc thù của Việt Nam và cách đo lường.

Về tình hình dự trữ ngoại hối, IMF hoan nghênh những nỗ lực của cơ quan chức năng cho phép tỷ giá linh hoạt hơn theo cả hai chiều và hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ, điều này sẽ giúp nền kinh tế điều chỉnh với sự thay đổi của môi trường bên ngoài.

Các giám đốc điều hành IMF nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng sau đại dịch. Đồng thời cho rằng, cần ưu tiên giảm sự chênh lệch về kỹ năng lao động, thúc đẩy chuyển đổi số và đảm bảo một sân chơi bình đẳng, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục