Triển vọng tăng trưởng tồi tệ hơn ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ
IMF hiện kỳ vọng, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và tăng trưởng 2,9% vào năm 2023. Các sửa đổi đánh dấu mức điều chỉnh giảm lần lượt là 0,4% và 0,7% so với dự báo trong tháng 4.
IMF cho biết, triển vọng sửa đổi chỉ ra rằng, những rủi ro được IMF nêu trong báo cáo trước đó hiện đã thành hiện thực. Trong số những thách thức đó là lạm phát toàn cầu tăng vọt, sự suy thoái tồi tệ hơn dự kiến ở Trung Quốc và hậu quả đang diễn ra từ căng thẳng ở Ukraine.
Báo cáo cho biết: “Sự phục hồi dự kiến vào năm 2021 đã được theo sau bởi những diễn biến ngày càng ảm đạm vào năm 2022”.
“Một số cú sốc đã giáng xuống nền kinh tế thế giới vốn đã suy yếu do đại dịch. Đầu tiên là lạm phát cao hơn dự kiến trên toàn thế giới, nhất là ở Mỹ và các nền kinh tế lớn của châu Âu, đã gây ra các điều kiện tài chính thắt chặt hơn. Tiếp đến là sự gián đoạn chuỗi cung ứng do các đợt phong toả để phòng chống Covid-19 của Trung Quốc. Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực hơn nữa từ căng thẳng ở Ukraine”, báo cáo cho biết.
IMF cho biết, sự suy giảm dự đoán sẽ đánh dấu sự thu hẹp hàng quý đầu tiên trong GDP thực tế toàn cầu kể từ năm 2020. Một kịch bản thay thế “hợp lý” nhưng ít khả năng hơn có thể khiến tăng trưởng toàn cầu giảm xuống khoảng 2,6% vào năm 2022 và 2% vào năm 2023, đưa tăng trưởng toàn cầu vào vùng kết quả thấp nhất kể từ năm 1970.
Triển vọng tăng trưởng tồi tệ hơn ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ là lý do khiến IMF hạ dự báo GDP toàn cầu của mình.
Theo đó, triển vọng tăng trưởng GDP của Mỹ đã giảm 1,4% xuống 2,3% do tăng trưởng yếu hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, sức mua hộ gia đình giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng thấp hơn 1,1% so với các ước tính trước đó sau các đợt đóng cửa do Covid kéo dài và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng. Trung Quốc hiện dự kiến sẽ tăng trưởng 3,3% vào năm 2022 - mức thấp nhất trong vòng 4 thập kỷ qua, trừ những ảnh hưởng ban đầu từ cuộc khủng hoảng Covid-19 vào năm 2020.
Dự báo của Ấn Độ đã bị cắt giảm 0,8% xuống còn 7,4%, phần lớn là do các điều kiện bên ngoài kém thuận lợi hơn và thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng hơn.
Trong khi đó, triển vọng của khu vực đồng euro đã bị hạ 0,2% xuống 2,6%, mặc dù IMF cho biết, hậu quả nặng nề hơn từ căng thẳng ở Ukraine có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng vào năm 2023, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn của Đức, Pháp và Tây Ban Nha.
Trong báo cáo tháng 6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2022 xuống 2,9% so với ước tính trước đó là 4,1%, với lý do áp lực kinh tế vĩ mô tương tự.
Lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng
Lạm phát toàn cầu hiện được dự báo sẽ đạt 6,6% ở các nền kinh tế tiên tiến và 9,5% ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong năm nay, với mức tăng lần lượt là 0,9% và 0,8% so với dự báo trong tháng 4.
Với việc giá cả tăng cao thúc đẩy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu, IMF cho biết việc kiềm chế lạm phát nên là ưu tiên số một của các nhà hoạch định chính sách.
“Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn chắc chắn sẽ có chi phí kinh tế thực tế, nhưng sự chậm trễ sẽ chỉ làm tăng thêm các chi phí này”, báo cáo cho biết.
IMF cho biết, các chính sách để giải quyết giá năng lượng và nhiên liệu cao hơn nên tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương nhất mà không làm sai lệch giá chung.
Trong nhiều tháng nay, các ngân hàng trung ương đang dần áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực hiện tăng lãi suất theo sau Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh, đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB sau 11 năm.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn dai dẳng và đã đạt mức cao nhất trong 40 năm ở Mỹ và Anh trong tháng 6.