IMF: Các ngân hàng trung ương nên tuân thủ cách tiếp cận lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Năm (2/2), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, các ngân hàng trung ương toàn cầu cần nói rõ với thị trường tài chính về nhu cầu có thể duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn để đưa lạm phát trở lại mục tiêu một cách bền vững.
IMF: Các ngân hàng trung ương nên tuân thủ cách tiếp cận lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các điều kiện tài chính đã nới lỏng đáng kể kể từ tháng 10/2022 sau các đợt tăng lãi suất mạnh của các ngân hàng trung ương được thiết kế để giảm tỷ lệ lạm phát vượt ngưỡng 6% tại hơn 80% nền kinh tế thế giới. Thay vào đó, khi các ngân hàng trung ương gần đạt mức lãi suất chính sách cao nhất và lạm phát đã bắt đầu giảm, các nhà đầu tư đã kỳ vọng vào việc nhanh chóng xoay trục để cắt giảm lãi suất.

"Các ngân hàng trung ương nên thông báo về nhu cầu có thể giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn cho đến khi có bằng chứng cho thấy lạm phát - bao gồm tiền lương và giá dịch vụ - đã quay trở lại mục tiêu một cách bền vững", người đứng đầu Bộ phận Thị trường Vốn và Tiền tệ của IMF, Tobias Adrian cho biết.

"Việc nới lỏng chính sách sớm có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát tăng mạnh trở lại một khi hoạt động kinh tế phục hồi, khiến các quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc hơn nữa, điều này có thể làm mất kỳ vọng lạm phát", ông cho biết.

Sự mất kết nối đã được thể hiện vào cuộc họp chính sách ngày thứ Tư (1/2) khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất chính sách và Chủ tịch Fed Jerome Powell nhắc lại rằng, ngân hàng trung ương không có kế hoạch cắt giảm lãi suất trong năm nay vì họ cần chứng kiến ​​sự giảm lạm phát đối với giá hàng hóa, sau đó là sự tiến bộ rõ rệt trong lĩnh vực dịch vụ được dự báo sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Các nhà đầu tư đã phớt lờ điều này và càng đặt cược nhiều hơn vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, trong khi chứng khoán tăng điểm. Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 7% trong năm và tăng hơn 15% so với mức thấp vào giữa tháng 10.

Thị trường tài chính ở những nơi khác đã phản ứng theo cách tương tự khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất vào thứ Năm (2/2).

Việc nới lỏng sớm các điều kiện tài chính là điều không được hoan nghênh đối với các ngân hàng trung ương, vì sẽ làm giảm chi phí đi vay vào thời điểm mà các nhà hoạch định lãi suất đang cố gắng giữ lãi suất ở mức hạn chế để làm giảm nhu cầu trên toàn nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.

IMF cho biết lịch sử cho thấy lạm phát cao thường kéo dài nếu không có các hành động chính sách tiền tệ "mạnh mẽ và quyết đoán", đồng thời lưu ý rằng, trong khi lạm phát hàng hóa đã giảm nhanh chóng thì tiến trình tương tự khó có thể xảy ra đối với lĩnh vực dịch vụ nếu không có sự hạ nhiệt đáng kể trên thị trường lao động.

“Điều quan trọng là các ngân hàng trung ương phải tránh hiểu sai về giá hàng hóa giảm mạnh và chính sách nới lỏng trước khi lạm phát dịch vụ và tiền lương cũng được điều chỉnh rõ rệt. Điều quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách là phải kiên quyết và tập trung vào việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu ngay lập tức”, IMF cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục