Báo cáo tài chính của CTCP Dược phẩm Imexpharm cho biết, năm 2020, doanh thu đạt 1.420 tỷ đồng, giảm 0,57% so với thực hiện năm 2019. Doanh thu thuần giảm mạnh hơn, ở mức 2,4%, đạt 1.369 tỷ đồng.
Song, nhờ các chi phí bán hàng, chi phí quản lý được kéo giảm, nên Imexpharm vẫn thu về 255,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 98% mục tiêu cả năm.
Với kết quả này, Imexpharm đã nối dài tăng trưởng lợi nhuận lên 7 năm liên tiếp, kể từ năm 2014. Tuy vậy, với việc Công ty đã tăng số lượng cổ phiếu lưu hành thông qua hoạt động chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng và phát hành cho người lao động (ESOP) cao hơn tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, khiến thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) cả năm chỉ đạt 2.773 đồng/cổ phần, giảm 4,1% so với kết quả đạt được của năm 2019.
Imexpham là một trong những doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược trong nước có doanh thu cao nhất. Lợi thế cạnh tranh của Imexpharm được đánh giá đến từ việc sớm đầu tư vào các nhà máy thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP.
Tính đến cuối năm 2020, Imexpham đã sở hữu 3 nhà máy dược được cấp chứng nhận đạt chuẩn EU-GMP và 1 nhà máy đang trong quá trình xét duyệt. Việc đạt tiêu chuẩn này đã giúp Imexpham có thể tham gia đấu thầu các phân khúc thuốc nhóm 1 và nhóm 2, có biên lợi nhuận cao, nhưng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, đang chủ yếu nằm trong tay các hãng dược phẩm nước ngoài.
Theo số liệu của Cục Quản lý dược, trong năm 2020, giá trị trúng thầu thuốc nhóm 2 của Imexpharm đạt khoảng 426 tỷ đồng, chiếm khoảng 85% tổng giá trị trúng thầu kênh ETC của Công ty.
Cập nhật của CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, so với các doanh nghiệp dược trong nước, Imexpharm chiếm thị phần đấu thầu nhóm 2 lớn nhất, vào khoảng 23,5%, tăng từ mức 9% của năm 2019, cho thấy khả năng cạnh tranh cao của doanh nghiệp. So với các doanh nghiệp niêm yết khác, giá trị trúng thầu kênh ETC của Imexpharm cũng cao hơn đáng kể.
Lợi thế của Imexpharm được củng cố khi chính sách của cơ quan quản lý có xu hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước nhằm tăng cường nguồn cung nội địa thay thế nhiều loại thuốc nhập khẩu.
EU-GMP là tiêu chuẩn cao nhất trong sản xuất thuốc nhưng khó thực hiện, vì một nhà máy EU-GMP mới được xây dựng cần từ 3-5 năm để hoàn thành, cùng với chi phí đầu tư vận hành cao, nên các doanh nghiệp quy mô nhỏ khó đầu tư, còn doanh nghiệp đủ quy mô vốn muốn đầu tư cũng mất rất nhiều thời gian. Việc đi trước của Imexpharm đã và đang tạo ra lợi thế đáng kể so với các doanh nghiệp khác nhắm đến phân khúc này.
Ở chiều ngược lại, bức tranh kinh doanh của Imexpharm được đánh giá đang phải đối mặt với một số khó khăn. Trong ngắn hạn là nguy cơ chậm trễ trong quá trình phê duyệt EU-GMP của nhà máy số 4 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cụ thể, nhà máy IMP 4 tại Bình Dương có vốn đầu tư 470 tỷ đồng với 4 dây chuyền sản xuất dòng kháng sinh mới thuộc nhóm Non-Betalactam, với kỳ vọng sẽ tham gia đấu thầu thuốc nhóm 1 và thay thế các sản phẩm ngoại nhập. Tuy vậy, Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ xét duyệt tiêu chuẩn EU-GMP và nhiều khả năng chỉ đóng góp vào kết quả kinh doanh từ năm 2022 trở đi.
Thêm vào đó, dịch bệnh cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung cấp nguyên vật liệu dược đầu vào do Imexpharm đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong nửa đầu năm 2020, dịch bệnh diễn biến phức tạp làm gián đoạn nguồn cung và làm tăng giá nguyên liệu dược đã ảnh hưởng đáng kể đến tình hình sản xuất cũng như làm tăng giá vốn của các doanh nghiệp trong ngành, trong đó có Imexpharm.
Đây có thể là nguyên nhân khiến Imexpharm đẩy mạnh tích lũy nguyên vật liệu với giá trị tồn kho đến ngày 30/12/2020 là 424,2 tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm, chủ yếu do tăng tồn kho nguyên vật liệu (tăng 44,9%).
Việc tăng mạnh tồn kho giúp Công ty đảm bảo duy trì sản xuất ổn định, giảm ảnh hưởng từ những biến động ngắn hạn của thị trường, nhưng ngược lại cũng khiến Công ty phải tăng nguồn vốn lưu động.
Đối với đầu ra, diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc tiêu thụ sản phẩm của Công ty, bao gồm cả kênh OTC và ETC.