Chẳng hạn, công tác đấu thầu thuốc vào bệnh viện gặp nhiều trở ngại do ảnh hưởng của Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/1/2012 hướng dẫn chọn thầu chỉ chú trọng thuốc giá rẻ.
Luôn tự hào là hãng sản xuất thuốc Generics “Chất lượng hàng đầu - Tiêu chuẩn châu Âu”, Imexpharm cũng không thể tránh khỏi khó khăn này. Tuy nhiên, trước các khó khăn, thử thách, Công ty đã tự tin tìm ra giải pháp phát triển tối ưu nhất. Năm 2013, Imexpharm vẫn đứng vững với tổng doanh thu thực hiện được là 851,7 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế và trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ là 106,1 tỷ đồng, lần lượt đạt 100,2% và 101% kế hoạch ĐHCĐ đề ra.
BCTN 2013 Imexpharm với thiết kế trên bìa giấy Drap đơn giản nhưng ấn tượng, thể hiện thông điệp bảo vệ môi trường. Nội dung xuyên suốt của báo cáo là câu chuyện về chiến lược kinh doanh lấy chất lượng làm lợi thế cạnh tranh cốt lõi của một công ty sản xuất - kinh doanh dược phẩm, hành trình tìm kiếm, đầu tư xây dựng theo các tiêu chuẩn tiên tiến nhất và các giá trị đạt được; cùng với những thử thách và quá trình quyết định lựa chọn, quản lý rủi ro khi điều kiện kinh doanh thị trường hiện tại không ủng hộ chiến lược này. Lồng ghép vào đó là những giải pháp kinh doanh ngắn và trung hạn để tiếp tục phát triển trong điều kiện kém thuận lợi.
Dây chuyền sản xuất thuốc kháng sinh chích của Imexpharm tại Nhà máy Bình Dương - VSIP II
Tích hợp cùng BCTN 2013 là nội dung Báo cáo phát triển bền vững của Imexpharm, với thông điệp giữ gìn cuộc sống xanh cho thế hệ tương lai. Trao đổi về lý do Imexpharm chọn chủ đề “30 năm cam kết một chất lượng bền vững” làm chủ đề xuyên suốt trong BCTN năm nay, ông Nguyễn Quốc Định, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết:
Năm 2013 đánh dấu cột mốc 30 năm hình thành và phát triển của Imexpharm (1983 - 2013). Trong suốt 30 năm qua, chúng tôi luôn lấy chất lượng làm giá trị cạnh tranh cốt lõi, vì thế đã đầu tư mọi nguồn lực để không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm theo các hệ thống tiêu chuẩn của châu Âu. Vào năm Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/1/2012 hướng dẫn chọn thầu vào bệnh viện chú trọng thuốc giá rẻ đã ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường hệ điều trị, gây không ít khó khăn cho hoạt động kinh doanh của Imexpharm. Trước tình hình đó, HĐQT và Ban Tổng giám đốc Imexpharm đã rất trăn trở trước câu hỏi: Có nên hạ thấp các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để hạ giá thành, đáp ứng xu hướng của thị trường hiện tại?
Sau khi suy xét kỹ lưỡng, cân nhắc lợi ích trước mắt và lâu dài, trên cơ sở vị thế cạnh tranh và các chuỗi giá trị mà Imexpharm đang nắm giữ và vấn đề phát triển bền vững, Ban lãnh đạo đã quyết định không thay đổi chiến lược kinh doanh, tiếp tục giữ vững uy tín chất lượng theo cam kết ban đầu của Imexpharm đối với các bên liên quan.
Thông qua BCTN 2013, Imexpharm muốn kể về hành trình 30 năm mạnh mẽ tiên phong đi tìm kiếm những chuẩn mực mới cho chất lượng, đồng thời gửi đến quý cổ đông, quý nhà đầu tư, khách hàng, đối tác và toàn thể đội ngũ CBCNV Imexpharm qua các thời kỳ thông điệp về lòng tri ân và rất mong tiếp tục nhận được sự tin cậy, ủng hộ cao của các bên cho chiến lược kinh doanh “Chất lượng hiệu quả điều trị cao - Giá cả hợp lý” của Imexpharm.
IMP có gặp khó khăn gì trong thực hiện Báo cáo phát triển bền vững theo những chuẩn mực quốc tế, thưa ông?
Hàng năm, chúng tôi đều thực hiện Báo cáo môi trường, thuê bên thứ ba chuyên nghiệp tư vấn và thực hiện phân tích, đo lường môi trường sản xuất, chất lượng nước thải, khí thải. Khó khăn của Imexpharm khi thực hiện Báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn mực quốc tế, cụ thể là theo hướng dẫn của Công ty Tài chính quốc tế IFC và khung tiêu chuẩn của Tổ chức Sáng kiến toàn cầu (Global Reporting Initiative - GRI), bao gồm nhiều vấn đề. Thứ nhất, Imexpharm chưa thể đưa ra rõ ràng mục tiêu phát triển bền vững có thể định lượng được để so sánh và phân tích với các chỉ tiêu thực hiện được trong kỳ báo cáo cũng như quá khứ. Thứ hai, năm 2013, Imexpharm chỉ mới công bố được Báo cáo phát triển bền vững ở mức độ “tham khảo” theo khung hướng dẫn của GRI. Nguyên nhân chính là do vấn đề phát triển bền vững đối với Imexpharm nói riêng và các DN tại Việt Nam nói chung hiện nay vẫn còn rất mới mẻ. Vì vậy, Imexpharm chưa xây dựng tốt các chính sách, quy trình quản lý, cơ chế phản hồi, cũng như chưa có Ban Phát triển bền vững hoạt động chuyên trách.
Tuy nhiên, với chiến lược phát triển ổn định và bền vững, Imexpharm đang từng bước nỗ lực để cải thiện các hoạt động liên quan đến phát triển bền vững. Hiện tại, Imexpharm là 1 trong 5 DN đầu tiên tham dự Chương trình minh bạch hóa DN (Business Transparency Program - BTP) do GRI triển khai, với hỗ trợ tài chính từ Cơ quan Hợp tác kinh tế Thụy Sĩ (SECO), nhằm giúp đỡ các DN nhỏ và vừa (SME) hiểu và lập được Báo cáo phát triển bền vững lần đầu, với sự tư vấn của Công ty TNHH Pricewaterhouse Coopers Việt Nam (PwC). Chương trình nằm trong khuôn khổ sự hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE và IFC trong việc nâng cao nhận thức và triển khai Báo cáo phát triển bền vững cho các DN Việt Nam. Theo kế hoạch cam kết với chương trình, Imexpharm sẽ công bố Báo cáo phát triển bền vững 2014 vào tháng 5/2015 theo hướng dẫn của GRI, ở mức độ “Phù hợp cốt lõi” với khung G4 mới nhất hiện nay.
Định hướng phát triển bền vững được Imexpharm lồng ghép vào hoạt động kinh doanh của DN như thế nào, thưa ông?
Là một DN hàng đầu tại Việt Nam về sản xuất - kinh doanh dược phẩm, với sứ mệnh mang lại các giải pháp hiệu quả cao cho sức khỏe cộng đồng, chúng tôi xác định Imexpharm chỉ có thể phát triển bền vững khi mục tiêu phát triển gắn kết với môi trường và cộng đồng xã hội. Nhiều năm qua, Imexpharm không ngừng nghiên cứu diễn biến bệnh tật tại Việt Nam, đồng thời hợp tác sản xuất với nhiều tập đoàn dược đa quốc gia để cải tiến chất lượng, phát triển sản phẩm mới với hiệu quả điều trị cao, an toàn cho sức khỏe và môi trường, được giới chuyên môn tin dùng thay thế thuốc nhập khẩu, giảm chi phí điều trị cho người bệnh. Công ty không ngần ngại đầu tư hệ thống môi trường sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến nhất hiện nay để giảm thiểu tác hại đến môi trường. Bên cạnh đó, những nỗ lực mang y tế đến vùng sâu, vùng xa; những đóng góp kinh tế và trách nhiệm xã hội cho địa phương; đầu tư giáo dục cho thế hệ trẻ; đảm bảo đời sống vật chất - tinh thần và nhiều giá trị khác cho người lao động; nỗ lực tiết kiệm điện năng, nâng cao công tác sức khỏe và an toàn vệ sinh lao động… cũng là những hoạt động song hành không thể thiếu cùng với mục tiêu sản xuất - kinh doanh của Imexpharm.
Công tác đấu thầu vào bệnh viện gặp nhiều trở ngại do ảnh hưởng của Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn chọn thầu chỉ chú trọng thuốc giá rẻ đã ảnh hưởng đến kinh doanh của Imexpharm. Công ty đã có giải pháp cụ thể nào để khắc phục?
Rõ ràng, với Thông tư 01, thị trường ETC (bệnh viện) không dành phân khúc nào cho những công ty đầu tư chiều sâu cho chất lượng như Imexpharm. Nếu cả năm 2013, doanh thu trên kênh ETC giảm 30% thì 6 tháng đầu năm 2014, kênh này đã giảm gần 54%. Vì vậy, trước mắt việc chuyển hướng thị trường, tập trung mọi nguồn lực phát triển kênh OTC (nhà thuốc) là điều tất yếu đối với Imexpharm và nhiều công ty dược khác. Bộ phận chăm sóc khách hàng đã được thành lập và đầu tư nghiêm túc. Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm đã được tái cấu trúc theo thẻ điểm cân bằng (Balanced Scorecard), với mục tiêu đưa sản phẩm mới ra thị trường đầu tiên. Mọi chương trình bán hàng và tiếp thị đều hướng đến phát triển thị trường và khách hàng OTC một cách vững chắc. Những nỗ lực không ngừng nghỉ theo sát thị trường và chỉ đạo điều hành sát sao của Ban lãnh đạo Imexpharm, cùng huyết tâm của toàn đội ngũ đã giúp thị trường OTC đạt mức tăng trưởng kỷ lục 42% năm 2013, và trên 38% trong 6 tháng đầu năm 2014.
Bên cạnh đó, năm 2014, Imexpharm cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp cho thị trường ETC triển khai từ năm 2013, nhằm duy trì phát triển ổn định, bền vững và chịu đựng được rủi ro đa chiều của thị trường. Imexpharm đang tiến hành hợp tác sản xuất nhượng quyền với tập đoàn dược đa quốc gia để đáp ứng phương án sản phẩm cho kênh ETC, đồng thời tiến hành nâng cấp các nhà máy penicillin tiêm và cephalosporin lên tiêu chuẩn PIC/S-GMP để tăng khả năng cạnh tranh cho công tác đấu thầu vào bệnh viện và hướng đến xuất khẩu khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP. Imexpharm cũng tăng cường quản trị công ty, đặc biệt là quản trị rủi ro - kiểm soát nội bộ để đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.
Ông có thể dự báo tình hình hoạt động của IMP trong nửa cuối năm 2014? Khả năng đạt và vượt kế hoạch năm nay ra sao?
Trong 6 tháng đầu năm 2014, nhờ những nỗ lực kiểm soát và tiết kiệm chi phí, tuy tổng doanh thu và thu nhập chỉ đạt 37,7% kế hoạch năm (377 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận trước thuế đạt gần 46% kế hoạch năm 2014 (55 tỷ đồng/120 tỷ đồng). Dự báo nửa cuối năm 2014, tình hình sẽ khả quan hơn, khả năng tổng doanh thu đạt 95% và lợi nhuận đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch năm 2014.
Để đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch, Imexpharm sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng phát triển kênh OTC và phát triển thêm dòng sản phẩm mới đưa ra thị trường, đồng thời tận dụng khai thác tối đa kênh ETC và doanh thu hàng nhượng quyền, hàng liên doanh với các đối tác. Mặt khác, Imexpharm cũng không ngừng thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát chi phí hiệu quả để bảo vệ tốt lợi nhuận sản xuất - kinh doanh trong một năm còn nhiều khó khăn.