Im lìm mặt bằng cho thuê

(ĐTCK) Dù đã qua thời gian giãn cách xã hội, nhưng ở bất cứ tuyến đường đô thị nào, không khó để bắt gặp cảnh cửa hàng đóng cửa im ỉm, trưng biển cho thuê nhà. Các mặt bằng ở trung tâm mua sắm cũng cùng chung cảnh ngộ.

Theo báo cáo của CBRE, tại các trung tâm thương mại, lưu lượng khách đến mua sắm bắt đầu giảm từ tháng 2 và đến cuối tháng 3 đã giảm xấp xỉ 80% tại các dự án.

Đến cuối quý I/2020, giá thuê tầng trệt và tầng một khu vực trung tâm giảm 11,4% và giá thuê tại khu ngoài trung tâm giảm 15,9% so với quý trước đó. Mức sụt giảm này sẽ cao hơn cho các vị trí ở tầng trên.

So với cùng kỳ năm trước, giá thuê khu trung tâm giảm 6,6% và giá thuê khu ngoài trung tâm giảm 17,6%. Xét về tỷ lệ trống ở các trung tâm thương mại vẫn giữ mức ổn định so với quý trước. Tại khu trung tâm, tỷ lệ trống không thay đổi và khu ngoài trung tâm thì tỷ lệ trống tăng nhẹ 0,9 điểm phần trăm.

Còn tại các mặt bằng kinh doanh ở bên ngoài cũng chẳng khá hơn, mặc dù nhiều chủ nhà đã giảm giá lên đến 30% nhưng cũng khó tìm được khách.

Đơn cử như câu chuyện của chị Thoa, hiện đang cho thuê 2 mặt tiền kinh doanh quán cà phê và salon làm đẹp ở khu vực quận 3, TP.HCM. Trước đây, chị cho thuê 2 căn nhà thu về gần 130 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đầu tháng 5 vừa qua, khách thông báo trả lại mặt bằng, dù trước đó chị đã giảm giá thuê 30%.

“Tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, tôi đã để biển cho thuê mặt bằng từ đầu tháng đến giờ nhưng vẫn chưa chốt được khách nào. Hiện tại, gần như trên tuyến đường này chỉ còn các cửa hàng kinh doanh lớn hay các thương hiệu mạnh mới trụ được, nhiều hộ kinh doanh nhỏ đang trả mặt bằng do không có khách”, chị Thoa nói.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư bất động sản, tại TP.HCM, có rất nhiều mặt bằng kinh doanh ở các tuyến đường lớn thuộc quận trung tâm, cũng như các shophouse ở các khu chung cư đang trong tình trạng cửa đóng then cài. Bảng hiệu cho thuê xuất hiện dày đặc. Nhiều quán cafe, trà sữa, nhà hàng, cửa hàng thời trang… đua nhau trả mặt bằng sau những ngày giãn cách xã hội vì không cầm cự nổi.

Đồng thời, hầu hết chủ các mặt bằng cho thuê hiện nay không còn hét giá như trước mà chủ động giảm 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái, ít ràng buộc về thời hạn thuê hay điều kiện thanh toán. Mặc dù vậy, việc tìm được khách thuê cũng không dễ bởi chưa biết khi nào dịch bệnh mới thực sự kết thúc, kinh tế vận hành bình thường trở lại.

Trao đổi với phóng viên, chị Hai, chủ một cửa hàng thời trang trên đường trung tâm quận 1 cho biết, mặt bằng ở khu này có giá thuê trung bình khoảng 75 triệu đồng/tháng. Cũng khá rộng rãi, vị trí đẹp, lại là khu vực giao thương tốt, được nhiều khách thuê tranh giành. Nhưng vì lượng khách ngày càng ít, khó khăn tài chính không thể cầm cự thêm, nên đành phải trả mặt bằng và tìm hướng đi mới.

“Chủ nhà cũng đã đề cập đến việc giảm giá thuê xuống còn 55 triệu/tháng, nhưng khi hỏi rõ ra thì mới biết là chỉ giảm cho 2 tháng. Sau 2 tháng này lại trở về mức thuê cũ là 75 triệu. Như vậy,  cũng không ổn vì tình hình kinh doanh chưa thể phục hồi lại ngay được, nên chỉ còn cách là chuyển địa điểm khác để giảm chi phí mặt bằng về lâu dài và hướng đến kênh online”, chị Hai nói.

Theo một số chuyên gia trong ngành, xu hướng trả mặt bằng kinh doanh hiện nay cũng là quá trình cơ cấu lại thị phần của thị trường bán lẻ, chuyển sang kinh doanh online chỉ là một phần. Thị trường cho thuê bán lẻ cũng cần điều chỉnh lại giá cho thuê một cách hợp lý để thích ứng khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại.

Bà Võ Thị Phương Mai, Trưởng Bộ phận dịch vụ Mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam nhận định, Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kênh mua sắm truyền thống nhưng đồng thời tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực cho các mô hình bán hàng vừa và nhỏ. Đơn cử, cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc và đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử.

“Thương mại điện tử là một điểm sáng làm thay đổi xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ, nhằm hỗ trợ việc kinh doanh liên tục ở các cửa hàng truyền thống trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Đồng thời, giúp cho khả năng bán hàng đa kênh sẽ linh hoạt và vượt trội hơn trong thời gian tới”, đại diện CBRE nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng ​
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục