Nhà đầu tư kể trên giải thích cho luận điểm nhà đầu tư trong nước phản ứng quá mức. Thứ nhất, sự đổ vỡ của nhiều tổ chức tín dụng lớn trên thế giới khiến TTCK chao đảo. Vậy nhưng, ở trong nước TTCK Việt Nam suy giảm mạnh, trong khi các tổ chức tín dụng vẫn vững vàng. Thứ hai, nguyên nhân chính khiến các tổ chức tín dụng hàng đầu thế giới sụp đổ là do thiếu tiền thì hiện tại, loại tổ chức này tại Việt Nam lại đang… thừa tiền. Không ít ngân hàng đang chạy đua hạ lãi suất cho vay.
Thời gian qua, tốc độ giảm giá của TTCK Việt Nam so với nhiều TTCK khác trên thế giới là tương đương. Có thể nói, TTCK Việt Nam đã và đang hứng chịu những thông tin tồi tệ nhất từ thị trường thế giới, nên khó có thể xấu hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này vẫn phụ thuộc vào tâm lý nhà đầu tư, việc trấn an để họ bình tĩnh trở lại là hết sức quan trọng. "Các quan chức gần đây không lên tiếng hoặc nếu có thì thông điệp của họ quá yếu ớt. Nếu việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn là có thực thì UBCK cần đưa ra những con số cụ thể về lượng tiền họ có thể rút; bao nhiêu quỹ đầu tư dạng mở có thể thoái vốn đầu tư. Điều này có ảnh hưởng nhiều đến TTCK như nó đang diễn ra hay không…", nhà đầu tư kể trên nêu câu hỏi.
Trong những lần thị trường suy giảm trước đây, không ít lần các thành viên thị trường đã lên tiếng đề nghị cơ quan quản lý xuất đầu lộ diện trấn an nhà đầu tư. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên im lặng khi nhà đầu tư hoảng loạn, bởi nhiều thông tin nhà đầu tư chờ đợi, có động thái của cơ quan quản lý.