Chủ đề chính của kỳ họp tại Hà Nội là những thành tựu của IIB trong việc đạt được ổn định về tài chính và các động lực tăng trưởng cân bằng của các chỉ số chính, bao gồm các hoạt động cho vay và đầu tư.
Cụ thể, với tổng tài sản hiện đã vượt quá 800 triệu EUR, trong 3 năm qua, IIB đã ký hợp đồng vay và bảo lãnh hơn 400 triệu EUR, trong đó có hơn 120 triệu EUR đã được cam kết trong năm 2015. Cũng trong năm nay, IIB đã hoàn thành chương trình phát hành trái phiếu trị giá 14 tỷ rúp trên Sàn Giao dịch Moscow; phát hành lần đầu tại Romani với tổng số tiền 111 triệu RON…
Theo thông lệ, kỳ họp Hội đồng được tiếp nối bởi Phiên họp Mở với sự tham gia của các quan sát viên của Ngân hàng và đối tác chiến lược, sự kiện mở màn cho Diễn đàn Kinh doanh quốc tế: “Việt Nam - cơ hội toàn cầu cho phát triển địa phương bền vững”, do IIB và NHNN - đại diện cho Việt Nam trong hội đồng IIB phối hợp tổ chức.
Trong Phiên họp mở, IIB đã ký hai văn kiện quan trọng - thỏa thuận cấp tín dụng trị giá 20 triệu USD cho BIDV để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và Bản ghi nhớ về hợp tác với tỉnh Thanh Hóa.
Ngoài ra, IIB trao tặng Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) khoản tiền 40.000 USD cho Chương trình bảo vệ voi hoang dã tại châu Á thực hiện tại Việt Nam. Trước đó, trong năm 2013, trên cơ sở trọng tâm mới của Ngân hàng, IIB đã cho Vietinbank vay một khoản 15 triệu EUR.
"Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào quá trình tái cơ cấu và phát triển của IIB, nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên tham gia tổ chức này", Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định.
IIB, tổ chức phát triển đa phương được thành lập vào năm 1970 bởi Hiệp định đa Chính phủ, đã cơ cấu lại hoạt động vào năm 2012 và kết nối 9 quốc gia từ châu Á, châu Âu và châu Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam gia nhập IIB năm 1977. Tính đến 1/8/2015, mức vốn điều lệ cam kết của Việt Nam tại IIB là 4,7 triệu EUR, trong đó phần vốn thực góp của Việt Nam tại IIB là 3,67 triệu EUR. Cơ quan đại diện của Chính phủ Việt Nam tại IIB là NHNN Việt Nam.
Trong kế hoạch mà IIB đã tuyên bố đầu năm 2015 “lấy năm 2015 là năm châu Á”, Ngân hàng đã mở rộng mạng lưới đối tác trong khu vực và quyết định tổ chức các cuộc họp của Hội đồng Ngân hàng năm nay tại châu Á như Ulaanbaatar (Mông Cổ), Hà Nội (Việt Nam).
Châu Á đang trở thành một trọng tâm quan trọng của IIB - Ngân hàng đã trở thành quan sát viên của ADB và bắt đầu tiếp cận đến các tổ chức phát triển khác như trở thành thành viên của Hiệp hội các tổ chức tài chính phát triển tại Châu Á và Thái Bình Dương (ADFIAP).