IFC sẽ đầu tư vào DN vừa và nhỏ Việt Nam

(ĐTCK) Mục tiêu chính của IFC ở Việt Nam là đầu tư vào DN vừa và nhỏ, chúng tôi muốn hỗ trợ tín dụng và phát triển DN ở đây.
Ông Philippe L. Ahoua

Đó là thông tin được ông Philippe L. Ahoua, Bộ phận giải pháp khách hàng nguồn vốn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, IFC cho biết khi trao đổi với ĐTCK bên lề Hội thảo “Phát triển thị trường vốn ở Việt Nam: Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ và các sản phẩm cấu trúc”.

IFC hướng tới nhóm DN nào ở Việt Nam khi đầu tư trái phiếu DN, thưa ông?

Việt Nam hiện vẫn chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho trái phiếu DN. Một vài DN phát hành lại có mức xếp hạng tín nhiệm thấp và thực tế Việt Nam là một thị trường đang phát triển, vì vậy, công việc của chúng tôi ở đây là giúp những công ty này của Việt Nam có thể huy động vốn thông qua thị trường trái phiếu DN.

Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, không chỉ DN Nhà nước và DN lớn mới có thể phát hành trái phiếu DN, mà mọi DN tư nhân đều có thể huy động vốn bằng phương thức đó.

Khi đầu tư vào trái phiếu DN, chúng tôi sẽ có một quy trình thích hợp để đánh giá rủi ro cũng như đánh giá công ty. Khả năng đánh giá và kiểm soát rủi ro của chúng tôi đủ tốt để có thể thực hiện đầu tư vào các DN vừa và nhỏ.

Thực tế, chúng tôi đã đầu tư nhiều vào trái phiếu DN trên thế giới, kết quả phần lớn là thành công và chúng tôi cũng sẽ thực hiện đầu tư như vậy tại Việt Nam. Với mục tiêu chính của IFC ở Việt Nam là đầu tư vào DN vừa và nhỏ, chúng tôi muốn hỗ trợ tín dụng và phát triển DN ở đây.

 

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, do kinh tế khó khăn, nên có nhiều DN phải phát hành trái phiếu để tái cơ cấu nợ. IFC có đầu tư vào các trái phiếu này hay không?

Đầu tư vào DN vừa và nhỏ không có nghĩa là chấp nhận mọi rủi ro. Chúng tôi sẽ không đầu tư vào những công ty dùng tiền để đảo nợ, nghĩa là dùng tiền mới để trả cho các khoản vay đến hạn. Chúng tôi chỉ đầu tư vào trái phiếu dùng để cấp nguồn cho các dự án mới. Việc kiểm tra mục đích sử dụng nguồn tiền của các dự án cũng là một phần trong quy trình đánh giá của IFC.

Tôi hiểu rằng, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện tại, sẽ có nhiều công ty không đủ khả năng phát triển dự án mới, mà chỉ có thể thực hiện việc tái cấu trúc tài chính, nhưng việc DN tăng thêm nợ để tái cấu trúc tài chính không phải là một việc tốt.

 

Ông đánh giá thế nào về các quy định pháp lý của Việt Nam đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Tất nhiên, mỗi nước có những điều kiện thị trường riêng, nên khó có thể đưa ra một nhận xét tổng thể về các quy định pháp lý của Việt Nam. Tôi chỉ có thể nói là các cơ quan quản lý đang đi đúng hướng trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bản thân tôi đã nghiên cứu khá kỹ các quy định của Việt Nam về thị trường trái phiếu DN và tôi thấy những quy định cơ bản, ví dụ như yêu cầu DN phải có lãi trong quý và năm kế toán trước thời điểm phát hành, cũng tương đồng với quy định của các nước khác.

>>Năm tài chính 2014, IFC sẽ đầu tư 1 tỷ USD tại Việt Nam

>>2013 lập kỷ lục phát hành trái phiếu doanh nghiệp

>>Dự báo sớm thị trường trái phiếu 2014

>>Tin xấu… tốt cho thị trường cổ phiếu!

Hải Linh
Hải Linh

Tin cùng chuyên mục