Trong báo cáo hàng tháng mới nhất được công bố hôm thứ Năm (11/7), IEA cho biết mức tiêu thụ dầu trên thế giới chỉ tăng 710.000 thùng/ngày trong quý II – mức tăng nhỏ nhất kể từ cuối năm 2022 – trong khi Trung Quốc rơi vào tình trạng suy thoái nhẹ. Trong năm 2024 và 2025, nhu cầu toàn cầu vẫn trên đà tăng trưởng dưới 1 triệu thùng/ngày mỗi năm.
Theo IEA, việc sử dụng nhiên liệu đang giảm dần trong khi nguồn cung mới từ Mỹ và các khu vực khác của châu Mỹ không ngừng gia tăng. Kết quả là, lượng hàng tồn kho được quan sát trên toàn cầu đã tăng trong 4 tháng tính đến tháng 5 và đạt mức cao nhất kể từ giữa năm 2021.
“Nhu cầu dầu thế giới tiếp tục giảm tốc…Tiêu dùng của Trung Quốc giảm sút khi quá trình phục hồi hậu đại dịch của nước này đã đi đến hồi kết”, báo cáo cho biết.
IEA cho biết: “Tiêu thụ dầu ở Trung Quốc, động lực tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu từ lâu, đã giảm trong cả tháng 4 và tháng 5”. Nhu cầu của Trung Quốc trong quý II cũng thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm 2023.
Theo IEA, việc trở lại trạng thái bình thường trước Covid và tăng trưởng yếu cũng sẽ khiến ảnh hưởng của Trung Quốc trong tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu giảm, từ mức tăng trưởng khoảng 70% trong năm ngoái xuống còn 40% trong năm nay và năm tới.
Các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Brazil sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu, trong khi các nền kinh tế tiên tiến của OECD sẽ chứng kiến mức tiêu thụ giảm.
Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan dự báo khác trong ngành dầu mỏ - từ các công ty kinh doanh đến ngân hàng đầu tư Phố Wall - đều nhìn thấy bức tranh tiêu dùng mạnh mẽ hơn và giá dầu Brent tiếp tục giao dịch ở mức gần 85 USD/thùng. Nhu cầu nhiên liệu lái xe tăng theo mùa đang giúp giảm bớt lượng dự trữ ở Mỹ, nước vẫn là nước tiêu dùng lớn nhất.
Nhưng các ước tính của IEA cho thấy sức mạnh đó có thể không kéo dài.
Theo IEA, tồn kho toàn cầu nhìn chung sẽ được cân bằng trong quý IV ngay cả khi liên minh OPEC+ từ bỏ kế hoạch khôi phục sản xuất. IEA dự báo thị trường sẽ rơi vào trạng thái thặng dư trong hầu hết những năm tới.
“Sau mùa hè nóng nực, xu hướng mát mẻ hơn sẽ chiếm ưu thế”, báo cáo cho biết.
“Tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ ở mức trung bình chỉ dưới 1 triệu thùng/ngày vào năm 2024 và 2025, do tăng trưởng kinh tế dưới mức trung bình, hiệu suất cao hơn và điện khí hóa phương tiện giao thông đóng vai trò là những trở ngại”, báo cáo cho biết.
Trong các báo cáo dài hạn, IEA đã dự đoán rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ ngừng tăng trước cuối thập kỷ này khi các quốc gia chuyển từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong nỗ lực tránh biến đổi khí hậu.
Đầu tháng này, IEA dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ ổn định ở mức khoảng 106 triệu thùng/ngày vào cuối thập kỷ này do nhu cầu ở các nền kinh tế tiên tiến giảm.