Báo cáo Triển vọng thị trường khí đốt trung hạn hàng năm của IEA cho thấy nhu cầu khí đốt toàn cầu đang trên đà tăng trung bình hàng năm là 1,6% từ năm 2022 đến năm 2026, chậm hơn so với mức tăng trung bình hàng năm là 2,5% trong giai đoạn từ năm 2017 cho đến năm 2021.
Xung đột Nga-Ukraine diễn ra vào năm ngoái đã khiến nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống từ Nga đến châu Âu giảm, gây ra cuộc chạy đua về nguồn cung cấp năng lượng thay thế.
Theo báo cáo, nhu cầu khí đốt nói chung từ các thị trường trưởng thành ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ đã đạt đỉnh điểm vào năm 2021 và được dự báo sẽ giảm 1% mỗi năm cho đến năm 2026.
Việc tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng là một trong những động lực chính dẫn đến xu hướng giảm giá khí đốt tự nhiên tại các thị trường này.
Đối với châu Âu, việc mất lượng khí đốt vận chuyển bằng đường ống từ Nga đã buộc các chính phủ phải tìm kiếm giải pháp thay thế để duy trì an ninh năng lượng.
“Sau thời hoàng kim từ năm 2011 đến năm 2021, thị trường khí đốt thế giới đã bước vào một thời kỳ mới và bất ổn hơn, có thể được đặc trưng bởi tốc độ tăng trưởng chậm hơn và biến động cao hơn và có thể dẫn đến nhu cầu toàn cầu đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này", Keisuke Sadamori, giám đốc thị trường năng lượng của IEA cho biết.
Mặc dù mức tiêu thụ sẽ giảm ở các thị trường khí đốt trưởng thành, nhưng bất kỳ sự tăng trưởng nào cũng sẽ chủ yếu tập trung ở các quốc gia chiếm gần một nửa lượng tiêu thụ khí đốt toàn cầu, bao gồm các thị trường mới nổi ở châu Á, cũng như các nền kinh tế giàu khí đốt ở Trung Đông và châu Phi.
Báo cáo cho biết, chỉ riêng Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm gần một nửa tổng mức tăng trưởng nhu cầu khí đốt toàn cầu từ năm 2022 đến năm 2026, khi quốc gia này dựa vào nhiên liệu này để phục vụ sản xuất công nghiệp, ngành điện và khu vực đô thị.
Việc tăng công suất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới được đưa vào sử dụng dự kiến sẽ ảnh hưởng đến động lực thị trường vào năm 2025 và 2026 bằng cách giảm bớt một số hạn chế và giải phóng nhu cầu nhạy cảm về giá.
Công suất LNG toàn cầu dự kiến sẽ tăng 25% từ năm 2022 đến năm 2026, với việc Mỹ sẽ củng cố vị thế là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới thông qua việc xây dựng các nhà máy hóa lỏng mới. Sự tăng trưởng trong nguồn cung LNG báo hiệu sự chuyển dịch sang thị trường khí đốt mang tính toàn cầu hóa hơn, điều này sẽ cải thiện khả năng phục hồi và khả năng của các nhà cung cấp cũng như người tiêu dùng trong việc ứng phó với các cú sốc cung và cầu.