IEA: Nhu cầu dầu sẽ vượt mức tiền Covid-19 vào cuối năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Sáu (11/6), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu sẽ tăng trên mức tiền đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2022 và các nhà sản xuất dầu sẽ cần phải thúc đẩy sản xuất hơn nữa.
IEA: Nhu cầu dầu sẽ vượt mức tiền Covid-19 vào cuối năm 2022

IEA dự kiến ​​tiêu thụ sẽ phục hồi với mức tăng thêm 5,4 triệu thùng/ngày trong năm nay khi vắc xin được tung ra và các nền kinh tế mở cửa trở lại.

Trước đó, tiêu thụ dầu đã giảm với mức kỷ lục 8,6 triệu thùng/ngày vào năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Ngoài ra, IEA dự kiến tiêu thụ ​​sẽ tăng thêm 3,1 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên mức trung bình 99,5 triệu thùng/ngày và sẽ vượt qua mức nhu cầu trước đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, IEA cảnh báo "sự phục hồi không đồng đều không chỉ giữa các khu vực mà giữa các ngành và sản phẩm" và việc phân phối vắc xin chậm có thể "gây cản trở" cho bất kỳ sự phục hồi nào.

Nhu cầu dự kiến ​​sẽ phục hồi nhanh hơn ở các quốc gia giàu có được tiếp cận sớm hơn với vắc xin, trong khi một số ngành như hàng không sẽ tụt lại do một số hạn chế đi lại vẫn còn và nhiều người tiếp tục làm việc tại nhà.

“Sự trở lại của ngành hàng không toàn cầu về công suất bình thường có thể xuất hiện cho đến khi hầu hết các quốc gia đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng và điều này có thể sẽ không xảy ra cho đến cuối năm 2022”, báo cáo cho biết.

Bên cạnh đó, OPEC+ dự kiến ​​sẽ tăng sản lượng thêm 1,6 triệu thùng/ngày trong năm tới, vượt mức của năm 2019.

Trong khi đó, các nước OPEC+ sẽ có công suất dự phòng 6,9 triệu thùng/ngày ngay cả khi đã tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay.

“Ngay cả khi các nhà sản xuất OPEC+ lấp đầy khoảng trống do nhu cầu tăng trưởng tạo ra, sản lượng của OPEC+ sẽ vẫn thấp hơn 2 triệu thùng/ngày so với mức trung bình của năm 2019”, IEA cho biết.

IEA cho biết các cổ phiếu ngành dầu mỏ ở các nền kinh tế phát triển OECD đã giảm xuống dưới mức trung bình trước đại dịch giai đoạn 2015-2019 lần đầu tiên trong hơn một năm.

Mặt khác, IEA cũng công bố một đề xuất lịch sử nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây cũng là một điều kiện tiên quyết để đáp ứng mục tiêu của hiệp định khí hậu Paris là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

IEA cho biết kế hoạch được công bố vào đầu tháng 5 đã kêu gọi các nhóm năng lượng ngừng tất cả các hoạt động thăm dò dầu khí mới từ năm nay để giữ cho tình trạng ấm lên toàn cầu được kiểm soát.

Ngoài việc cắt giảm nhiên liệu hóa thạch, IEA cũng cho biết sẽ cần một bước nhảy vọt chưa từng có trong chi tiêu cho các công nghệ carbon thấp với quy mô khoảng 5 tỷ USD đầu tư vào năng lượng mỗi năm vào năm 2030, tăng từ khoảng 2 tỷ USD.

IEA cũng kêu gọi các quốc gia toàn cầu tập trung vào đầu tư năng lượng sạch để tạo điều kiện cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chuyển đổi thành công. IEA cho biết đầu tư hàng năm vào năng lượng sạch ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ cần tăng gấp 7 lần vào năm 2030 nếu muốn thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo một báo cáo mới của IEA và Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển là nơi sinh sống của 2/3 dân số thế giới và sẽ đại diện cho 90% mức tăng phát thải trong tương lai, tuy nhiên các quốc gia này đang chỉ nhận được 20% nguồn tài trợ dành cho các công nghệ carbon thấp và các khoản đầu tư xanh khác.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục