IEA: Cam kết nhiên liệu hóa thạch tại COP28 sẽ không hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo phân tích từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các cam kết cắt giảm khí thải được khoảng 130 quốc gia và 50 công ty nhiên liệu hóa thạch đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh COP28 vẫn sẽ khiến thế giới không đạt tới mục tiêu trong việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
IEA: Cam kết nhiên liệu hóa thạch tại COP28 sẽ không hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C

IEA tính toán rằng việc thực hiện đầy đủ một loạt các biện pháp nằm trong liên minh khử carbon toàn cầu sẽ chỉ làm giảm phát thải liên quan đến năng lượng giữa quỹ đạo hiện tại và mục tiêu 1,5 độ C khoảng 1/3 vào năm 2030.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Điều đó tốt nhưng chưa đủ tốt”.

Ông cho biết, điều bắt buộc là các quốc gia phải đồng ý “giảm nhiên liệu hóa thạch một cách có trật tự và công bằng phù hợp với các mục tiêu khí hậu quốc tế” tại COP28.

Gần 130 quốc gia, bao gồm Mỹ, EU và Canada đã đồng ý tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng, trong khi 50 công ty dầu khí đã ký cam kết giảm lượng khí metan trong khuôn khổ kế hoạch toàn cầu của chủ tịch COP28.

Các bên ký kết điều lệ đã đồng ý tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo của thế giới lên ít nhất 11.000 gigawatt vào năm 2030 và tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả năng lượng trung bình hàng năm lên 4% cho đến năm 2030.

Đồng thời, 50 công ty nhiên liệu hóa thạch - đại diện cho khoảng 1/3 sản lượng dầu và khí đốt toàn cầu - đã cam kết ngừng đốt khí dư thừa thường xuyên và loại bỏ gần như toàn bộ rò rỉ khí metan, một loại khí nhà kính mạnh vào năm 2030.

Ông Fatih Birol cho biết, các công ty dầu khí phải tăng cường chi tiêu cho năng lượng tái tạo và công nghệ năng lượng sạch.

Có một “khoảng cách lớn” giữa tỷ lệ chi tiêu đầu tư của các công ty dầu khí dành cho công nghệ sạch và “mức độ họ nói về biến đổi khí hậu trong bài phát biểu của họ”, ông cho biết.

Năm nay, IEA cho biết nhu cầu nhiên liệu hóa thạch phải giảm 25% vào cuối thập kỷ này để thế giới hạn chế thành công sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C - mục tiêu lý tưởng của thỏa thuận Paris 2015. Nhiệt độ toàn cầu đang tăng ít nhất là 1,1°C.

IEA đã khiến ngành dầu khí choáng váng vào năm 2021 khi cho biết sẽ không còn chỗ cho các dự án thăm dò mới nếu phải đáp ứng ngưỡng nóng lên toàn cầu. Cơ quan này cũng dự báo nhu cầu về dầu, khí đốt tự nhiên và than đá sẽ đạt đỉnh trước năm 2030.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục