Diễn biến giá bất thường
Ngày 12/10/2017, bà Lê Thị Phượng, thành viên Hội đồng quản trị IDI công bố đăng ký bán toàn bộ 1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,55%. Cùng ngày, một thành viên Hội đồng quản trị khác là ông Trương Vĩnh Thành đăng ký bán 1/1,02 triệu cổ phiếu đang nắm giữ; ông Lê Văn Thông, anh trai Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Thành Tuấn đăng ký bán 2/2,016 triệu cổ phiếu đang nắm giữ.
Trước đó, hàng loạt cổ đông nội bộ và người có liên quan đăng ký thoái vốn khỏi IDI. Tính riêng từ ngày 2 - 18/10/2017, có 11 cá nhân là thành viên Hội đồng quản trị, Ban giám đốc và người có liên quan đăng ký bán ra hầu hết cổ phiếu IDI đang nắm giữ, với tổng khối lượng 14,4 triệu đơn vị, tương đương 7,93% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Trên sàn chứng khoán, sau phiên giảm sàn ngày 10/10, giá cổ phiếu IDI tăng trần 4 phiên liên tiếp, từ ngày 12 - 17/10. Tính kể từ đầu tháng 10 đến hết phiên 20/10, tại giá đóng cửa 8.600 đồng/cổ phiếu, thị giá IDI đã tăng 34,4%, đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, vượt trội so với mức tăng 2,88% của VN-Inex. Khối lượng giao dịch cũng tăng lên 3 - 4 triệu đơn vị/phiên, so với vài trăm ngàn đơn vị mỗi phiên trước đó.
Đây là diễn biến bất thường, trong bối cảnh IDI bị thoái vốn và không có thông tin hỗ trợ, thậm chí có những lo ngại về triển vọng xuất khẩu cá tra của Công ty vào các thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ tiếp tục gặp khó khăn bởi các quy trình kiểm tra, thanh tra nghiêm ngặt, cũng như thuế chống bán phá giá.
Tận dụng đà tăng giá và thanh khoản, nhiều cổ đông nội bộ và người có liên quan của IDI đã nhanh chóng hoàn thành thoái vốn trong 1 - 2 ngày như ông Lê Xuân Quế, Phạm Đình Nam, Lê Văn Cảnh… thông qua khớp lệnh trực tiếp trên sàn.
Đáng chú ý, theo báo cáo kết quả giao dịch công bố ngày 20/10, bà Lê Thị Phượng còn thực hiện giao dịch trước 1 ngày so với thời hạn đăng ký (ngày 17/10 so với 18/10). Việc các cổ đông nội bộ “bắt đúng sóng tăng” để thoái vốn khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng đây là may mắn tình cờ, hay do có sự chuẩn bị từ trước?
Nghi ngờ thông tin bất thường sắp được công bố
IDI nằm trong Top những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, Công ty còn tham gia đầu tư kinh doanh bất động sản, chế biến bột cá mỡ cá, tinh luyện dầu cá…
Trong 3 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của IDI tăng trưởng cao. Năm 2016, doanh thu hợp nhất đạt 4.047 tỷ đồng, gấp 2,23 lần năm 2013; lợi nhuận sau thuế đạt 99,5 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2013. 6 tháng đầu năm 2017, IDI ghi nhận doanh thu 2.297 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 77,3 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 2,5% so với cùng kỳ năm 2016; hoàn thành 63,7% kế hoạch doanh thu và 43,4 % kế hoạch lợi nhuận năm.
Tuy nhiên, trong thời gian trên, IDI thực hiện các đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng, chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cho cán bộ, công nhân viên, nâng vốn điều lệ từ 380 tỷ đồng đầu năm 2014 lên 1.816 tỷ đồng. Theo đó, các chỉ số hiệu suất sinh lời trên tài sản, nguồn vốn, cũng như thu nhập mỗi cổ phần (EPS) chịu áp lực pha loãng đáng kể. EPS năm 2016 là 612 đồng, giảm mạnh so với mức 1.082 đồng năm 2013 và 2.177 đồng năm 2014.
Đáng chú ý, dư nợ ròng của IDI liên tục tăng, khiến lãi vay chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí. Tại ngày 30/6/2017, tổng nợ phải trả là 3.144 tỷ đồng, chiếm 58,5% nguồn vốn, chủ yếu là vay nợ ngắn và dài hạn (2.761 tỷ đồng).
Chi phí lãi vay năm 2016 là 1.34,5 tỷ đồng, bằng 56% lợi nhuận trước thuế và lãi vay; 6 tháng đầu năm 2017, chi phí lãi vay là 88,1 tỷ đồng, bằng 52% lợi nhuận trước thuế, lãi vay và tăng 47,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm hàng trăm tỷ đồng/năm suốt từ năm 2013 đến nay, trong khi đây là giai đoạn Công ty đầu tư mở rộng nhiều dự án mới, khiến dòng tiền tài trợ gần như phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài. Đây là lý do khiến huy động vốn và vay nợ của IDI tăng mạnh, Công ty cũng liên tục không chi trả cổ tức bằng tiền mặt.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, IDI đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 7% tiền mặt, thời gian dự kiến trong quý II, nhưng đến nay chưa thực hiện. Với áp lực dòng tiền và vay nợ như hiện tại, việc chi hơn trăm tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt theo kế hoạch sẽ tạo áp lực không nhỏ lên dòng tiền của doanh nghiệp.
Kết quả kinh doanh và lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua bán cổ phiếu là hai trong số những loại thông tin có tác động lớn đến giá và tâm lý nhà đầu tư. Vì thế, trước việc hàng loạt cổ đông nội bộ và người có liên quan đăng ký bán cổ phiếu IDI, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, đây đơn thuần là “giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân” như được công bố, hay sẽ có biến động bất thường về tình hình tài chính, kinh doanh của Công ty, khi thời hạn công bố báo cáo tài chính quý III đang đến gần?