So với thực hiện năm 2021, mức lợi nhuận này gấp 6,3 lần. Đây cũng là kỷ lục lợi nhuận của IDI kể từ khi thành lập. Kế hoạch kinh doanh tham vọng của IDI được xây dựng trên cơ sở các đơn hàng đã ký đến hết quý III/2022, đồng thời giá cá tra trên các thị trường xuất khẩu tăng mạnh.
Năm 2021, với lợi thế 3 kho lạnh quy mô lớn và nguồn lực tài chính dồi dào, khi các doanh nghiệp khác không thể sản xuất và nông dân bị ứ đọng cá đến ngày thu hoạch, IDI đã dự trữ được 1.400 tấn cá ở mức giá 17.000 - 18.000 đồng/kg. Với giá cá tra từ sau Tết Nguyên đán đến nay đạt 32.000 đồng/kg, riêng khoản hàng tồn kho đã đem lại cho IDI hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận.
Vùng liên kết nuôi của IDI hiện có quy mô hơn 400 ha. Với mô hình này, nông dân được Công ty cung cấp cá giống, thức ăn chăn nuôi và bao tiêu đầu ra. Giá cá mà IDI ký với nông dân là 21.000 - 23.000 đồng/kg. Những năm trước khi giá cá trên thị trường rớt xuống 17.000 - 18.000 đồng/kg, nông dân hợp tác với IDI vẫn sống khỏe và được Công ty thu mua với giá cam kết, tức là IDI phải bỏ ra khoảng 600 tỷ đồng/năm để bù lỗ cho nông dân nên vùng nuôi liên tục được duy trì. Nay khi giá cá vọt lên 32.000 đồng/kg, IDI có lợi thế nguồn nguyên liệu ổn định, giá thấp.
Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch IDI dự báo, giá cá tra sẽ phá kỷ lục lịch sử 35.000 đồng/kg và cán đích mới 40.000 đồng/kg trong nửa đầu năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, sau khi lao dốc từ mức đỉnh 25.900 đồng/cổ phiếu từ cuối tháng 11/2021, cổ phiếu IDI đang hồi phục từ sau Tết Nguyên đán. Chốt phiên 18/3, cổ phiếu IDI tăng nhẹ 0,68% lên 22.050 đồng, khớp hơn 3 triệu đơn vị.