Iceland có mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 2008

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (4/5), Ngân hàng trung ương Iceland đã thực hiện đợt tăng lãi suất lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để cố gắng kiềm chế lạm phát và kiềm chế đợt tăng giá nhà nhanh nhất ở châu Âu.
Iceland có mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 2008

Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) đã nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 7 ngày thêm 100 điểm cơ bản lên 3,75%, đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ với động thái lớn nhất kể từ sau đại dịch. Các quan chức đã nâng cao đáng kể dự báo lạm phát và dự đoán mức tăng giá hàng năm sẽ vượt quá 8% trong quý III.

“MPC cho rằng, có khả năng lập trường tiền tệ sẽ phải thắt chặt hơn nữa trong những tháng tới. Các quyết định được đưa ra ở cấp doanh nghiệp, thị trường lao động và tài chính của khu vực công sẽ là yếu tố quyết định chính đến việc lãi suất phải tăng cao như thế nào”, Ngân hàng trung ương Iceland cho biết.

Động thái tăng lãi suất đưa Iceland trở thành đội tiên phong trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu vào một ngày mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được các nhà kinh tế dự đoán sẽ đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất với mức tăng 50 điểm cơ bản nhằm phản ứng với lạm phát gây ra bởi hậu quả từ xung đột ở Ukraine.

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất vào thứ Năm (5/5) thêm 0,25% lên 1%. Vào hôm thứ Ba (3/5), Ngân hàng trung ương Úc cũng bắt đầu chu trình tăng lãi suất với mức tăng 0,25% ban hành vào giữa chiến dịch bầu cử.

“Với sự gia tăng gần đây trong kỳ vọng lạm phát dài hạn, có nhiều rủi ro hơn là triển vọng lạm phát như được mô tả trong dự báo của ngân hàng là quá lạc quan. Rủi ro về vòng xoáy giá cả tiền lương sẽ tăng lên nếu các thỏa thuận về tiền lương vào mùa đông năm sau tạo ra những đợt tăng lương lớn”, Ngân hàng trung ương Iceland cho biết.

Ngân hàng trung ương của Iceland là ngân hàng đầu tiên ở Tây Âu thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ khi đại dịch xảy ra và đã giữ quan điểm diều hâu kể từ đó khi ngân hàng này phải vật lộn để kiềm chế tăng trưởng giá tiêu dùng hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2010.

Trong khi triển vọng kinh tế của Iceland đã xấu đi kể từ khi căng thẳng ở Ukraine leo thang, áp lực lạm phát gia tăng do giá hàng hóa toàn cầu cao hơn khiến các quan chức phải phức tạp nhiệm vụ dập tắt xu hướng tăng nóng của giá nhà ở đã thúc đẩy lạm phát, bao gồm cả chi phí bất động sản. Tăng trưởng giá tiêu dùng đã tăng nhanh lên 7,2% trong tháng 4, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2,5% đề ra.

Giá trị nhà ở tại khu vực thủ đô đã tăng 19,1% vào tháng 4 trong bối cảnh thiếu nhà mới. Theo Eurostat, từ năm 2010 đến cuối năm 2021, giá nhà ở tại khu vực thủ đô đã tăng trưởng 150% và là mức tăng cao nhất ở châu Âu.

Ngân hàng trung ương cho biết: “Giá nhà và các hạng mục chi phí trong nước khác là động lực mạnh mẽ của lạm phát, trong khi giá dầu và hàng hóa toàn cầu đã tăng mạnh. Giả định sự kết hợp của việc tăng lãi suất và các biện pháp thắt chặt hơn dựa trên người đi vay sẽ làm chậm lạm phát giá nhà và nhu cầu trong nước”.

Trong khi các quan chức cho rằng thị trường bất động sản có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm nay, sự gia tăng đột ngột của người nhập cư có thể tạo ra áp lực lên giá bằng cách thúc đẩy nhu cầu thuê nhà.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục