Icahn là người nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư chủ động - kiểu đầu tư vào các công ty tiềm năng nhưng giá rẻ do hoạt động quản lý công ty yếu kém, sau đó thay đổi ban quản trị để đưa cổ phiếu về giá trị thật rồi bán đi. Từ năm 1994, ông đã thực hiện 106 phi vụ ở 88 công ty. Chủ trương của ông là đầu tư, thay đổi công ty, rồi bán khoản đầu tư thật nhanh. Trường hợp Netflix cũng có thể đi theo hướng này.
Tuy nhiên, không dễ để bổ nhiệm người mới vào Netflix. Ban quản trị của công ty này được tổ chức theo kiểu so le, nghĩa là chỉ một phần trong số các thành viên quản trị sẽ phải bầu lại vào mỗi kỳ họp thường niên, và sẽ mất đúng 2 năm để có thể thay được số đông ban quản trị. Netflix thường tổ chức đại hội vào tháng 6, trong khi mọi sự bổ nhiệm thay thế thành viên ban quản trị sẽ phải đợi đến tháng 2/2013 mới có thể được thông qua. Do đó, Netflix có thể phòng vệ trước bất cứ một kế hoạch thay toàn bộ ban quản trị nào từ bên ngoài.
Nhưng đó có thể không phải mục tiêu lớn của Icahn. Nhà đầu tư này dường như đang có ý định chốt lời khoản đầu tư của mình thật nhanh trước khi xảy ra một cuộc tranh luận về người điều hành.
Trong hồ sơ về khoản đầu tư tại Netflix, Icahn viết: “Netflix có giá trị chiến lược tiềm năng đáng kể cho một loạt các công ty lớn hơn khác ở những lĩnh vực có sự cạnh tranh trực tiếp của những thay đổi cách mạng như internet, di động, và các ngành truyền thống”. Đó dường như là cách nói rao bán.
Thêm vào đó là tỷ lệ 9,98% - vừa đủ để không chạm ngưỡng 10% - mà Icahn đã mua. Icahn thậm chí có thể mua nhiều cổ phiếu hơn nữa vì Netflix hoàn toàn không có kế hoạch chống thâu tóm. Nhưng luật Mỹ quy định rằng, một khi một cổ đông có tỷ lệ sở hữu vượt quá 10%, cổ đông này sẽ phải trả lại lợi nhuận có được từ việc mua và bán cổ phiếu trong bất kỳ một khoảng thời gian 6 tháng nào. Bằng cách giữ tỷ lệ dưới ngưỡng này, Icahn có thể thoải mái bán cổ phần của mình đi trong 6 tháng tới mà không bị phạt.
Netflix là một công ty đầy tiềm năng của ngành công nghệ, nhưng lại đang suy yếu dần do những lộn xộn trong quản lý nội bộ. Reed Hastings, Tổng giám đốc Netflix tin rằng, một tổng giám đốc nên điều hành công ty mà không có sự can thiệp của ban quản trị, nhưng niềm tin độc tài này của ông lại gặp rắc rối với một loạt những sai lầm ông mắc phải.
Icahn thường đầu tư ở mảng công nghệ sinh học hoặc ở những công ty có thành tích lâu dài mà có vấn đề về điều hành hay kinh doanh. Nhưng giá cổ phiếu của Netflix có thể đã hấp dẫn Icahn. Cổ phiếu Netflix đã tụt xuống mức 70 USD trước khi Icahn thông báo mua cổ phần, thấp hơn một phần tư mức giá đỉnh 300 USD mà Công ty đạt được hồi năm 2011.
Giá cổ phiếu đã tăng vọt lên 78 USD hôm thứ Tư tuần qua sau thông báo của Icahn. Giá cổ phiếu sau đó chững lại và giảm nhẹ trong phiên giao dịch chiều thứ Năm.
Các cổ đông khác của Công ty có vẻ đang định quay trở lại với cổ phiếu này. Các nhà buôn chứng khoán đang chạy đua mua cổ phiếu của Netflix để bán lấy lãi. Các quỹ phòng vệ đã mua lượng lớn cổ phiếu Netflix, trong đó một quỹ là Blue Ridge Capital đã nắm 4,5% cổ phần hồi 30/6.
Sẽ không lạ gì nếu Ban quản trị Netflix dứt khoát nói không với các đề xuất của Icahn. Rất nhiều người đang hào hứng quan sát xem Tổng giám đốc
Nhưng Netflix không dội gáo nước lạnh lên Icahn - ít nhất là chưa. Hôm thứ Năm tuần trước, Jonathan Friedland, một phát ngôn viên của Netflix, trả lời báo chí: “Chúng tôi có nhiều cổ đông, giờ bao gồm cả ngài Icahn và chúng tôi luôn luôn cởi mở với những đóng góp của họ để xây dựng nên thành công cho chúng tôi”.
Cuối cùng, câu hỏi là mức giá nào là hợp lý cho cổ phiếu Netflix tại thời điểm này, đặc biệt khi mà công ty này có rất nhiều cơ hội. Trước những xáo trộn nội bộ hiện tại ở Netflix và ban quản trị có khả năng nói không với Icahn trong nhiều năm, Icahn có thể thực hiện tốt kế hoạch của mình, nhưng không nhanh như ông mong đợi.