Hy vọng thị trường lao động phục hồi trong quý IV

0:00 / 0:00
0:00
Ít nhất 1,3 triệu lao động đã “hồi hương” trong và sau làn sóng Covid-19 lần thứ tư, khiến rất nhiều doanh nghiệp thiếu nhân lực khi quay trở lại hoạt động.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) bày tỏ hy vọng, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” sẽ giúp thị trường lao động sớm phục hồi.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư dần được kiểm soát, nhưng hàng vạn người lao động vẫn quyết định “hồi hương”. Theo ông, vì sao lại có tình trạng này?

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê).

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê).

Khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư bắt đầu tràn vào TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, hàng chục vạn lao động từ các địa phương này đã trở về quê bằng mọi phương tiện mà họ có. Nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát, tình trạng này vẫn diễn ra, trong khi đáng ra, hết thời gian giãn cách, tài chính của đại đa số người lao động đã cạn kiệt, thì họ phải ở lại tìm kiếm việc làm.

Có tình trạng này, theo tôi, là do biến thể Covid-19 diễn ra quá nhanh, quá nguy hiểm, khiến nhiều địa phương khá lúng túng và bị động khi đưa ra chủ trương, chính sách phòng, chống, “sống chung” với dịch bệnh. Chính sách của các địa phương không nhất quán, mỗi nơi một quy định khiến doanh nghiệp và người lao động bị động, bản thân doanh nghiệp cũng chưa thể có kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể.

Những điều này ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động, dẫn đến tâm lý lo sợ, bất an và giải pháp “vạn bất đắc dĩ” là trở về quê.

Ông đánh giá thế nào về tác động của làn sóng “di cư ngược” đến thị trường lao động trong quý IV - thời điểm doanh nghiệp phải chạy nước rút để bù lại những ngày phải tạm ngừng, giãn sản xuất do thực hiện cách ly xã hội?

Tính sơ bộ, có khoảng 1,3 triệu lao động đã trở về quê từ các trung tâm kinh tế lớn (gồm cả lao động tự do và lao động làm việc trong khu vực chính thức). Làn sóng “di cư ngược” của lao động tự do đã tác động tiêu cực lan tỏa đến lao động tại doanh nghiệp và các khu công nghiệp, nên xảy ra tình trạng thiếu lao động.

Nguyên nhân chính là do các chính sách nới lỏng giãn cách chưa cụ thể và rõ ràng, doanh nghiệp cũng chưa biết sẽ hoạt động trở lại thế nào, “bình thường mới” thế nào... Khi mọi thứ chưa rõ ràng, việc làm chưa được bảo đảm, sinh kế bấp bênh, người lao động chọn về quê trước rồi… tính sau.

Thực trạng này khiến thị trường lao động bị xáo trộn, năng suất lao động bị giảm mạnh, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc, thiếu lao động gia tăng, ở nơi cần thì thiếu lao động, trong khi ở những nơi khó tìm kiếm việc làm, thì lại thừa lao động.

Bức tranh lao động cụ thể như thế nào, thưa ông?

Kết quả khảo sát 22.764 doanh nghiệp về đánh giá tác động của Covid-19 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở Đông Nam bộ, với 30,6%. Theo lĩnh vực, có 55,6% doanh nghiệp điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học bị thiếu hụt lao động; tỷ lệ này đối với doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm liên quan là 51,7%; trong sản xuất trang phục là trên 49%; thiết bị điện là 44,5% và ngành dệt là 39,5%.

Số liệu báo cáo nhanh cho thấy, tính đến ngày 15/9/2021, có khoảng 324.000 người đã rời Hà Nội; trên 292.000 người rời TP.HCM; khoảng 233.000 người rời các tỉnh phía Nam khác và 450.000 người rời các tỉnh, thành phố khác để về quê. Tình trạng thừa - thiếu lao động chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp trong 3 tháng cuối năm.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Theo ông, Nghị quyết có khắc phục được thực trạng trên?

Nghị quyết số 128/NQ-CP được ban hành rất kịp thời với mục tiêu đặt ra là vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021. Nghị quyết cũng nhấn mạnh phải đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội.

Tại nghị quyết này, Chính phủ đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất; phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhưng bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc.

Đặc biệt, để chống cục bộ địa phương trong phòng chống dịch, Chính phủ đã phân loại dịch bệnh thành 4 cấp độ: xanh - vàng - cam - đỏ, tương ứng với mỗi cấp độ mở cửa, theo đó, sẽ chấm dứt được tình trạng “chống dịch cực đoan”. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân quay trở lại trạng thái “bình thường mới”, hy vọng thị trường lao động dần bình ổn trong quý IV này.

Để thực hiện được các mục tiêu trong Nghị quyết số 128/NQ-CP, theo ông, cần phải tiếp tục làm gì?

Theo tôi, Chính phủ cần triển khai, thực hiện đồng bộ, triệt để các chính sách đã ban hành; sớm bao phủ vắc-xin toàn dân; giao thông thông suốt; nghiêm cấm chia cắt cục bộ địa phương, ngăn sông cấm chợ; triển khai mạnh mẽ các gói kích thích nền kinh tế.

Với địa phương, phải nhất quán, công khai trong chống dịch; đẩy mạnh triển khai các gói hỗ trợ người lao động. Địa phương phối hợp chặt chẽ để đưa đón người dân trở về quê. Cùng với đó, doanh nghiệp phải tuyên truyền, thu hút lao động trở lại làm việc với nhiều hình thức như tăng phúc lợi xã hội (lương, thưởng, đảm bảo điều kiện lao động an toàn), chủ động đón người lao động tại các địa phương, bảo đảm công việc cho người lao động ngay khi họ quay trở lại.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục