Sau 4 giờ làm việc căng thẳng ngày hôm qua (15/7), 229 trong số 300 thành viên Quốc hội Hy Lạp đã bỏ phiếu thông qua các chính sách cải tổ khắc khổ mới, nhằm đổi lấy gói cứu trợ trị giá 86 tỷ euro (94 tỷ USD).
Trong số những người bỏ phiếu chống, có 32 thành viên thuộc Đảng cánh tả Syria do Thủ tướng Alexis Tsipras lãnh đạo, đây là dấu hiệu cho thấy, vị thủ tướng này đang mất đi sự ủng hộ ngay chính trong đảng của mình.
Kết quả bỏ phiếu của Athens đã đẩy nhiệm vụ giải quyết khủng hoảng nợ của Hy Lạp sang ECB và Liên minh châu Âu (EU). Được biết, Hội đồng quản trị ECB sẽ có cuộc họp tại Frankfurt tối muộn ngày 16/7 và Quốc hội Đức sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ vào ngày mai (17/7).
ECB cần sớm cung cấp thêm các gói thanh khoản khẩn cấp (ELA) để giúp các ngân hàng của Hy Lạp có thể sớm mở cửa trở lại cũng như giải quyết tình trạng cạn nguồn tiền mặt tại đây.
Có thể thấy, việc tìm cách để mở cửa trở lại hệ thống ngân hàng và cho phép các hoạt động thương mại diễn ra bình thường sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Hy Lạp hiện tại. Trong cuộc họp ngày hôm nay, ECB sẽ thảo luận xem liệu có nâng mức giới hạn đối với các gói ELA cho Hy Lạp hay không, sau khi chương trình này bị tạm dừng trong hơn 2 tuần qua.
Hy Lạp cũng cần phải nhanh chóng nhận được gói cứu trợ mới nhằm giải quyết các vấn đề tài chính khẩn cấp, trong đó có cả 3,5 tỷ euro nợ đến hạn cần phải trả cho ECB vào ngày 20/7 tới. Trước đó, EU đã đưa ra lời đề nghị sẽ nhanh chóng chuyển giao 7 tỷ euro tới cho Hy Lạp, trước khi gói cứu trợ mới bắt đầu đề nước này giải quyết các khoản nợ khẩn cấp.