Ngành thuỷ sản nói chung và cá tra nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn
Nhiệm vụ bất khả thi
Tại ĐHCĐ thường niên của HVG diễn ra vào tháng 5/2013, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty khẳng định, dù năm 2013 vẫn còn khó khăn, nhưng HVG sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, vì Công ty có nhiều lợi thế.
Theo kế hoạch, tổng doanh thu năm 2013 đạt 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, xuất khẩu 100.000 tấn với kim ngạch 300 triệu USD. Thậm chí, ông Minh còn nói, kế hoạch doanh thu 12.000 tỷ đồng là “khiêm tốn”.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm cho thấy, tổng doanh thu mới đạt xấp xỉ 7.800 tỷ đồng (doanh thu thuần đạt hơn 7.710 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế đạt 336 tỷ đồng, doanh thu xuất khẩu đạt 3.219 tỷ đồng, tức khoảng 152,5 triệu USD.
Công ty sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường vào thứ Sáu tuần này để thông qua kế hoạch chào bán 30 triệu cổ phần, tăng vốn điều lệ thêm 25%. Trong báo cáo phân tích cổ phiếu HVG cách đây gần một tháng, CTCK Maybank KimEng (MBKE) viết: “Với kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2013, chúng tôi tin rằng, HVG cũng sẽ trình ĐHCĐ lần này về việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận tham vọng mà cổ đông đã thông qua trong kỳ ĐHCĐ thường niên được tổ chức vào tháng 5/2013”.
Tuy nhiên, chương trình ĐHCĐ bất thường mà HVG đã công bố không có tờ trình về việc điều chỉnh kế hoạch này. Có lẽ HVG thấy không cần thiết vì pháp luật không bắt phải làm thế!
6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của HVG tương đối khả quan, đến nỗi CTCK FPT (FPTS) trong báo cáo phân tích của mình đã “dự báo cả năm 2013, doanh thu đạt 11.499 tỷ đồng (95,8% kế hoạch), tăng 49,6% so với 2012, lợi nhuận trước thuế đạt 710,9 tỷ đồng (88,9% kế hoạch), tăng 120,6% so với năm 2012”. Lúc đó, khoảng cuối tháng 8/2013, FPTS đã ra khuyến nghị “mua” đầu tư dài hạn đối với cổ phiếu HVG.
Sang quý III/2013, lợi nhuận trước thuế của HVG giảm mạnh, chỉ đạt 52 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm trước. Theo MBKE, những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận là do HVG ghi nhận khoản bất lợi thương mại 26 tỷ đồng và không còn khoản từ bán cổ phần, trái phiếu như trong quý III/2012. Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng mạnh, khoản thu nhập từ các công ty liên kết đã chuyển từ lãi 34 tỷ đồng sang lỗ 4 tỷ đồng.
Liên quan đến việc chào bán riêng lẻ 30 triệu cổ phần mà HVG sẽ xin ĐHCĐ bất thường sắp tới thông qua, báo cáo của MBKE viết: “Thị trường có những tin đồn rằng, HVG gần như đã đạt được thoả thuận với nhà đầu tư Singapore để phát hành 30 triệu cổ phiếu với giá vào khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu. […] HVG có thể dùng vốn tăng thêm này để mua thêm cổ phần tại những công ty mà HVG đang nắm giữ tỷ lệ lớn như Công ty xuất khẩu tôm FMC (HVG đang nắm 41,8% cổ phần) và công ty con AGF (HVG đang nắm 51,4% cổ phần).
Khó khăn phía trước
Cũng theo báo cáo của MBKE, HVG đang gặp rủi ro về việc Mỹ sẽ tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá lên mức 2,15 USD/kg trong đợt xem xét lần thứ 9 (POR9). Nếu mức thuế mới này được áp dụng, HVG gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu vào Mỹ do mức thuế này sẽ “ăn hết” lợi nhuận của Công ty khi giá xuất khẩu trung bình vào thị trường này chỉ khoảng 3 - 3,5 USD/kg.
MBKE cũng lưu ý rằng, HVG gần như không trực tiếp xuất khẩu vào Mỹ mà chỉ thông qua công ty con AGF để bán hàng vào thị trường này. Tuy nhiên, AGF có khả năng phải chịu chung mức thuế chống bán phá giá của HVG từ năm 2014.
Thị trường Mỹ chiếm khoảng 45% doanh thu của AGF và 19% doanh thu của Tập đoàn HVG.
Mặc dù HVG rất khó có thể đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra và sẽ phải đối diện với những khó khăn phía trước, nhưng MBKE lại khuyến cáo nhà đầu tư “giữ” cổ phiếu HVG. MBKE kỳ vọng lợi nhuận sau thuế quý III/2013 của HVG sẽ tăng 16% so với cùng kỳ năm trước nhờ chi phí tài chính giảm, nhưng lý do này chưa thực sự thuyết phục để “giữ” cổ phiếu HVG, vì theo MBKE ước tính, lợi nhuận ròng của HVG cả năm 2013 sẽ vào khoảng 251 tỷ đồng.
Theo báo cáo phân tích của CTCK Rồng Việt, ngành thuỷ sản nói chung và cá tra nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Tình trạng bán phá giá giữa các doanh nghiệp vẫn còn tiếp diễn, đẩy mức giá xuất khẩu xuống thấp.