Lợi nhuận sụt giảm mạnh
6 tháng đầu năm 2015, HVG ghi nhận doanh thu thuần 7.049,7 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước là 6.928,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu nửa đầu năm nay tăng so với cùng kỳ, từ mức 91,283% lên 92,494% khiến lợi nhuận gộp của HVG chỉ còn 529 tỷ đồng, thay vì mức 603,9 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014.
Sụt giảm lợi nhuận từ hoạt động chính, nhưng bù lại, HVG lại tiết kiệm được nhiều chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng. Tổng chi phí từ 2 khoản mục này giảm tới 68 tỷ đồng so với nửa đầu năm 2014. Thêm vào đó, Công ty cũng ghi nhận hơn 22 tỷ đồng lãi từ công ty liên doanh, liên kết, thay vì lỗ hơn 3 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái.
Đây là lý do mặc dù chi phí lãi vay tăng hơn 11 tỷ đồng, sụt giảm doanh thu tài chính do không có lợi nhuận từ thoái danh mục đầu tư (nửa đầu năm 2014 lãi hơn 37 tỷ đồng), lợi nhuận công ty mẹ nửa đầu năm nay chỉ giảm gần 70 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 74,9 tỷ đồng.
Với kết quả này, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) HVG 6 tháng đầu năm đạt 447 đồng, trong khi cùng kỳ là 1.093 đồng.
Tồn kho, số dư phải thu tăng mạnh
Bảng cân đối kế toán của HVG cho thấy, phần lớn tài sản của HVG là tài sản ngắn hạn, đạt 10.198 tỷ đồng trên tổng tài sản 12.737,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với đầu năm. Số dư tăng thêm chủ yếu tập trung ở hai khoản mục lớn là hàng tồn kho và số dư phải thu, chiếm gần 90% giá trị tài sản ngắn hạn.
Tại ngày 30/6/2015, HVG có số dư phải thu ngắn hạn của khách hàng lên tới 3.269,4 tỷ đồng, tăng gần 28,33% so với đầu năm 2014 là 2.547,73 tỷ đồng. Trong số này, phải thu khách hàng nước ngoài tăng nhẹ (hơn 170 tỷ đồng), nhưng phải thu khách hàng trong nước tăng tới gần 515 tỷ đồng, lên mức 1.559 tỷ đồng. Tổng số dư phải thu này bằng 46,376% doanh thu nửa đầu năm.
Số dư trả trước người bán ngắn hạn cũng tăng mạnh tương ứng từ 166,393 tỷ đồng lên mức 860,185 tỷ đồng. Số dư dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi cũng tăng từ mức 287 tỷ đồng đầu năm lên 328,637 tỷ đồng.
Tương tự với số dư phải thu ngắn hạn khách hàng, số dư hàng tồn kho của HVG cũng tăng từ mức 2.955,8 tỷ đồng đầu năm lên 4.813 tỷ đồng, tương đương mức tăng 62,836%. Hàng tồn kho của HVG tập trung ở các khoản mục lớn gồm: thành phẩm (1.617,5 tỷ đồng), chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang (1.549,56 tỷ đồng), hàng hóa (724 tỷ đồng). Ngoài ra, còn có trên 505 tỷ đồng nguyên – vật liệu, 386 tỷ đồng hàng mua đang đi trên đường và các công cụ, dụng cụ khác.
Rủi ro lãi vay tăng mạnh
Cả số dư hàng tồn kho, số dư phải thu của khách hàng thời điểm 30/6/2015 đều lớn hơn quy mô vốn chủ sở hữu của HVG tại cùng thời điểm là 3.266 tỷ đồng. Đây là lý do khiến HVG dù có số dư tiền lên tới gần 883 tỷ đồng, kèm 118 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngắn hạn, nhưng vẫn phải vay nợ rất lớn.
Ngoài khoản phải trả ngắn hạn người bán lên tới 1.650,66 tỷ đồng, HVG còn 6.277 tỷ đồng vay ngắn hạn và 761 tỷ đồng vay dài hạn cùng nhiều khoản mục phải trả, phải nộp ngắn hạn khác.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, phần lớn các khoản vay này tập trung vào Vietcombank và BIDV, trong đó, Vietcombank có số dư vay ngắn hạn bằng VND là hơn 1.362 tỷ đồng, đáo hạn vào ngày 30/12/2015 với mức lãi suất 5,2 - 8%/năm; 454,9 tỷ đồng vay bằng USD (mức vay gốc là 20,843 triệu USD), với lãi vay 2,1 - 4%/năm, đáo hạn ngày 30/10/2015.
Tại BIDV, HVG có khoản vay 1.327 tỷ đồng bằng VND lãi suất 5,5 - 7%/năm, đáo hạn ngày 1/3/2016, vay 39,131 triệu USD (tương đương 853,817 tỷ đồng) lãi suất 2,2 - 4%/năm; 615 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, gốc và lãi thanh toán 6 tháng 1 lần, ngày đáo hạn sau cùng là 14/11/2017, với lãi suất 8,5%/năm.
Ngoài 2 ngân hàng lớn này, HVG cũng vay nhiều ngân hàng khác như: VPBank, ANZ, VietinBank, TPBank, VIBank… Đáng chú ý, HVG có số dư vay USD khá lớn, lên tới hơn 131,884 triệu USD. Khoản vay này, dù có thể được bù đắp phần lớn bằng nguồn ngoại tệ thu về từ xuất khẩu thủy sản, nhưng sẽ làm tăng chi phí cho Công ty trong bối cảnh USD tăng giá mạnh thời gian vừa qua, với mức ảnh hưởng chênh lệch lợi nhuận khoảng 18,827 tỷ đồng nếu tỷ giá USD/VND thay đổi 2%.
Thêm vào đó, với việc sử dụng quá nhiều vốn vay, nếu lãi suất VND tăng 100 điểm cơ bản, lợi nhuận trước thuế của HVG sẽ giảm đi 34,6 tỷ đồng và nếu lãi suất vay USD tăng 50 điểm cơ bản, Công ty sẽ giảm lợi nhuận khoảng 13,472 tỷ đồng.