Một công việc trong ngành tài chính như là làm việc cho ngân hàng hay CTCK ở chừng mực nào đó là một công việc đáng mơ ước hình ảnh cổ cồn ra vào những tòa nhà hạng A, xe đẹp, điện thoại xịn và đương nhiên là lương cao, thưởng khủng.
Thế nhưng, thu nhập ngất ngưởng của các cán bộ ngân hàng, chứng khoán không chỉ đến từ lương, thưởng mà còn từ khoản môi giới ngoài luồng và lắm khi là tài sản do phạm tội mà có.
Trong vụ án đình đám Huỳnh Thị Huyền Như, bà Như đã làm giả các hợp đồng tiền gửi, ký giả chữ ký của lãnh đạo Vietinbank Nhà Bè, Vietinbank TP Hồ Chí Minh để huy động được tiền từ các công ty, các ngân hàng. Để lôi kéo được những hợp đồng này, bà Như chi mạnh tay cho những môi giới giúp bà Như bắt mối những khách hàng sộp cũng như những cá nhân có thẩm quyền quyết định việc gửi vốn.
Tháng 5/2010, thông qua Vũ Minh Hải, nhân viên CTCP Chứng khoán Ocean Bank giới thiệu, bà Như đã biết được CTCP Chứng khoán Saigonbank – Berjaya có nhu cầu gửi tiền với lãi suất trong hợp đồng 14% và lãi suất ngoài hợp đồng từ 16 – 18%. Do đó bà Như tiếp cận CTCK Saigonbank – Berjaya và thành công “lôi” được hợp đồng tiền gửi 225 tỷ đồng về Vietinbank và làm giả hợp đồng, ký giả hợp đồng tiền gửi để sau đó chiếm đoạt 210 tỷ đồng của công ty này.
Khi thương vụ trót lọt, bà Như khai đã chi cho Vũ Minh Hải 30 tỷ đồng môi giới. Tuy nhiên Vũ Minh Hải chỉ thừa nhận có 20 tỷ đồng và khia đã chia cho Vũ Thị Mỹ Linh, kế toán trưởng CTCK Saigonbank – Berjaya 13 tỷ đồng. Bà Linh chỉ thừa nhận đã nhận 9,9 tỷ đồng.
Theo CQĐT, đến nay Hải tự nguyện nộp 1,29 tỷ đồng, Linh nộp 7 tỷ đồng và đang rao bán nhà để có tiền khắc phục nốt phần còn lại.
Vụ lừa đảo chiếm đoạt của của Công ty TNHH Zenplaza, Như đã huy động của Công ty này 310 tỷ đồng đến nay còn chiếm đoạt 45,5 tỷ đồng. Bà Như khai đã chi cho TTH Giang và Nguyễn Thị Tuyết Ánh, cán bộ công ty này số tiền 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình điều tra chưa đủ căn cứ kết luận 2 cán bộ này đã nhận tiền chênh lệch của bà Như.
Đối với vụ việc của CTCP Chứng khoán ORS và Công ty An Lộc, số tiền bà Như còn chiếm đoạt là 550 tỷ đồng và khai đã đưa cho Lê Thị Thanh Phương, Giám đốc khối nguồn vốn Ngân hàng Tiên Phong 40 tỷ đồng tiền chênh lệch ngoài hợp đồng. Qua điều tra, có căn cứ xác nhận, bà Lê Thị Thanh Phương đã nhận 5,9 tỷ đồng qua tài khoản của chồng và em trai. Đến nay, hai người này đã nộp lại toàn bộ số tiền trên.
Thông qua ông Đoàn Đăng Luật, Trưởng phòng nguồn vốn của Ngân hàng Navibank, bà Như đã huy động được 1.543 tỷ đồng, đến nay còn chiếm đoạt 200 tỷ đồng. Bà Như khai đã chi ông Luật lãi suất chênh lệch từ 4 – 12%/năm và thực tế đã chuyển cho ông Luật số tiền hơn 40 tỷ đồng nhưng ông Luật chỉ thừa nhận có 9,45 tỷ đồng. Số tiền này ông Luật đã chuyển vào quỹ của Navibank theo đúng chủ trương của ngân hàng còn lại 20,5 tỷ đồng, ông Luật không thừa nhận.
Quá trình huy động tiền của Ngân hàng ACB và sau đó chiếm đoạt 718 tỷ đồng, Bà Như đã chi cho Huỳnh Thị Ngọc Bảo, Phó phòng quản lý quỹ số tiền chênh lệch 3,7 tỷ đồng qua tài khoản. Đến nay CQĐT đã thu hồi được 2 tỷ đồng.