Huyền Như lừa đảo từ năm 2007

(ĐTCK) Phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm kéo dài trong 3 tuần từ 6-25/1. Theo cáo trạng, "siêu lừa" Huyền Như đã bắt đầu chiêu vay lãi suất cao từ năm 2007.
Huyền Như lừa đảo từ năm 2007

Từ ngày 6 đến ngày 25/1, TAND TP. HCM sẽ đưa ra xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm. Đây là phiên tòa đặc biệt kéo dài trong trong 3 tuần làm việc do vụ án nghiêm trọng và phức tạp với tổng số tiền thiệt hại lên tới 3.986 tỷ đồng, 23 bị can đã bị truy tố trong đó có 15 cán bộ ngân hàng, 5 giám đốc, nhân viên các công ty, 1 môi giới chứng khoán và 2 cá nhân làm nghề tự do.

Trong vụ án này, Tòa án xác định nguyên đơn dân sự và người bị hại lên tới 15 đơn vị và cá nhân như Ngân hàng ACB, Ngân hàng Navibank, Ngân hàng VIB - chi nhánh TP. HCM, Công ty Chứng khoán ORS, Công ty TNHH đầu tư Phúc Vinh, CTCP đầu tư Thịnh Phát, CTCP Thương mại và đầu tư Hưng Yên, CTCP bảo hiểm Toàn Cầu, CTCP chứng khoán Saigonbank- Bera, CTCP vận tải dầu khí Thái Bình Dương… 

Gần 40 luật sư đã tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ lợi ích hợp pháp của nguyên đơn dân sự, người bị hại, người liên quan tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, kết quả điều tra xác định, từ đầu năm 2007 Huỳnh Thị Huyền Như, lúc đó là cán bộ tín dụng Vietinbank (chi nhánh TP Hồ Chí Minh) đã vay cá nhân trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản.

Hoạt động kinh doanh bất động sản của Huyền Như trải dài trên nhiều địa bàn: TP HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang. Tuy nhiên, đến năm 2010, do kinh doanh bất động sản thua lỗ nhưng phải trả lãi suất cao, Huyền Như đã không thể trả được nợ.

Khi đó bà Như đã là Quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên, nắm được nghiệp vụ ngân hàng và có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền từ ngân hàng đi các đơn vị doanh nghiệp, hạn mức 50 tỷ đồng/lệnh nên bà Như đã nghĩ cách lợi dụng để huy động tiền.

Huyền Như giả danh Vietinbank Nhà Bè và Chi nhánh TP Hồ Chí Minh để huy động tiền và thuê làm giả con dấu đứng tên các đơn vị như Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát, Hưng Yên, An Lộc, Đức Minh Quang, Bảo hiểm Toàn cầu, Saigonbank –Berjaya. Bà Như cũng làm giả tài liệu của VietinBank Nhà Bè và Chi nhánh TP Hồ Chí Minh và nhiều đơn vị, cá nhân khác để lừa đảo chiếm đoạt số tiền 4.911,3 tỷ đồng. Đến thời điểm khởi tố vụ án, còn chiếm đoạt 3.986,2 tỷ đồng.

Trong vụ án này, hàng loạt các công ty, các ngân hàng đã bị dính líu và chịu thiệt hại nặng nề khi trót gửi tiền vào hai chi nhánh của Vietinbank thông qua Huyền Như. Đáng kinh ngạc là số tiền mà mỗi công ty, ngân hàng gửi gắm lên tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.

Tài liệu điều tra thể hiện, số tiền chiếm đoạt được, Huyền Như đã trả tiền vay lãi nặng cho 14 cá nhân là 1.262,6 tỷ đồng, trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng cho 9 cá nhân là 42,6 tỷ đồng, trả nợ gốc, nợ lãi trong hợp đồng, ngoài hợp đồng cho 4 công ty là 925 tỷ đồng. Còn 1.240 tỷ đồng Huyền Như khai đã trả tiền mặt cho các đối tượng cho vay lãi nặng khác và các đối tượng nhận tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, chi tiêu cá nhân.

 

>> Sếp lớn, sếp nhỏ theo chân Huyền Như hầu tòa

>> Chiêu "ẵm" hơn 2.600 tỷ đồng của "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như

>> Những ngân hàng sập bẫy "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục