Ngày giao dịch cuối cùng là 26/11/2015. BT6 chỉ là một trong số ít DN hủy niêm yết trong năm nay. Tuy nhiên, điều nhà đầu tư quan tâm là sau khi hủy niêm yết, BT6 có thực hiện đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM hay không, vẫn là điều đang bỏ ngỏ.
Tại ĐHCĐ năm 2015, Beton 6 cho biết việc hủy niêm yết của Công ty là hoàn toàn tự nguyện, không phải do làm ăn kém hiệu quả, bị buộc phải hủy niêm yết. Kết quả kinh doanh quý III/2015 cho thấy, công ty mẹ Beton 6 đạt 289 tỷ đồng doanh thu, tăng 43% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 5,76 tỷ đồng, tăng 304% so với quý III/2014.
Theo lãnh đạo BT6, giai đoạn hiện tại, chiến lược của Công ty là tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, vì thế Công ty quyết định hủy niêm yết tự nguyện. Khi điều kiện thuận lợi, BT6 sẽ niêm yết trở lại.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, sau khi hủy niêm yết, nếu BT6 còn là công ty đại chúng sẽ thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM. Ngược lại, sẽ hủy đăng ký công ty đại chúng tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và hủy đăng ký lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Như vậy, phải sau thời điểm 26/11, BT6 mới quyết định có hay không việc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Trước đó, để giải quyết quyền lợi cho cổ đông nhỏ lẻ, BT6 đã triển khai phương án mua 1 triệu cổ phần của cổ đông nhỏ làm cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, BT6 đã không mua đủ số cổ phiếu đăng ký do thanh khoản thấp. Ngoài ra, các cổ đông lớn như Công ty TNHH MTV Đầu tư Xuyên Việt, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và phát triển Tân Việt, Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng và xi măng HB cũng sẽ mua tổng cộng 4,93 triệu cổ phần từ các cổ đông nhỏ lẻ, với giá tối đa 8.210 đồng/cổ phần, trong khi thị giá BT6 hiện ở mức 5.900 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 3/11).
CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF) cũng có thông báo hủy niêm yết cổ phiếu trong tháng 10, đồng thời để đảm bảo quyền lợi của cổ đông nhỏ, VTF sẽ mua lại toàn bộ hơn 4 triệu cổ phần của cổ đông nhỏ lẻ.
9 tháng đầu năm 2015, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã thực hiện hủy niêm yết cả tự nguyện và bắt buộc khoảng 30 cổ phiếu, trong đó, đáng chú ý là cổ phiếu SBC của CTCP Vận tải và Giao nhận Bia Sài Gòn và MPC của CTCP Minh Phú - 2 doanh nghiệp xin hủy niêm yết tự nguyện. Đối với trường hợp MPC, mặc dù HOSE đã yêu cầu doanh nghiệp này phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM trước khi chấp thuận hủy niêm yết, nhưng đến nay, cả MPC và SBC đều chưa giao dịch trên UPCoM.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, theo quy định, khi DN hủy niêm yết phải thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM. Mặc dù vậy, hiện vẫn có khá nhiều DN đang ở ngoài sàn và nếu DN không có các biện pháp xử lý cổ phần sau hủy niêm yết, cổ đông sẽ là đối tượng bị thiệt thòi nhất. Theo bà Lan, cơ quan quản lý cần có những chế tài mạnh hơn để buộc các DN thực hiện theo đúng quy định.
Hiện nay, đối tượng DN sẽ lên giao dịch trên UPCoM bao gồm DNNN cổ phần hóa; các công ty đại chúng thực hiện chào bán ra công chúng trong diện phải đưa cổ phiếu lên niêm yết tập trung nhưng không đủ điều kiện và nhóm các DN hủy niêm yết tự nguyện hay bắt buộc. Nghị định 60/2015/NĐ-CP cũng đã bổ sung một số điều khoản liên quan tới việc hủy niêm yết của các DN. Theo đó, cổ phiếu của công ty hủy niêm yết nếu vẫn đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng sẽ phải đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM. Mặc dù vậy, hầu hết DN hủy niêm yết tự nguyện đều không có ý định đưa cổ phiếu giao dịch trên UPCoM.
DN hủy niêm yết không phải là chuyện mới trên TTCK, thậm chí số lượng DN hủy niêm yết có những năm cao hơn số DN niêm yết mới. Bên cạnh những DN làm ăn yếu kém, thua lỗ và nhiều lần vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin bị buộc phải hủy niêm yết, vẫn có khá nhiều DN kinh doanh hiệu quả, tăng trường đều, vẫn muốn chia tay sàn niêm yết.
Điều này đặt ra nhiều dấu hỏi cho thị trường, phải chăng việc niêm yết chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của DN như huy động vốn, giá cổ phiếu…? Tuy nhiên, dù với lý do nào, thì việc DN hủy niêm, đối với nhà đầu tư, cổ đông, nhất là các cổ đông nhỏ, ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.