Hủy niêm yết, KHA làm chuyện ngược đời

(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (KHA) đã chính thức thông qua tờ trình hủy niêm yết tự nguyện trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) và đăng ký giao dịch trên UPCoM. Đi cùng với việc hủy niêm yết là một cuộc “thay máu” gần như toàn bộ HĐQT và Ban kiểm soát Công ty nhiệm kỳ 2017 - 2022. Diễn biến này khiến thị trường không khỏi nghi ngại về tương lai của KHA.
Hủy niêm yết, KHA làm chuyện ngược đời

Làm chuyện ngược đời

Tại Đại hội, đại diện nhóm cổ đông muốn hủy niêm yết cho rằng, thanh khoản của cổ phiếu KHA khá thấp, trung bình mỗi phiên giao dịch chỉ 6.000 cổ phiếu, thậm chí một số phiên hầu như không giao dịch.

Việc hủy niêm yết và chuyển sang sàn UPCoM với biên độ giao dịch tăng lên 15% sẽ thuận lợi cho hoạt động mua bán của nhà đầu tư hơn. Mặt khác, trên thị trường không thiếu những trường hợp doanh nghiệp hủy niêm yết, điển hình là “vua tôm” Minh Phú hay Nhựa Tân Tiến.

Ý kiến này đã vấp phải sự phản đối của một số cổ đông. Theo đó, “việc chuyển sang giao dịch tại sàn UPCoM để cải thiện thanh khoản là vô lý. Vấn đề đơn giản là nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu không muốn bán ra, do giá cổ phiếu KHA hiện chỉ khoảng 35.000 đồng/cổ phiếu, trong khi từng có thời điểm lên tới 44.000 đồng/cổ phiếu”, một cổ đông lâu năm của Công ty cho biết.

Theo một số cổ đông nhiều năm đầu tư vào KHA, việc niêm yết thể hiện tâm huyết của Ban lãnh đạo cũ của Công ty từ thời ông Lê Văn Truông, lúc thị trường chứng khoán mới hoạt động (KHA lên sàn năm 2002).

“Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có lúc lên xuống là chuyện bình thường. Từ thời điểm niêm yết tới nay, Công ty vẫn hoạt động tích cực. Vậy tại sao “đang yên đang lành” lại chuyển giao dịch sang một sàn mà nhà đầu tư đánh giá là kém minh bạch hơn. KHA đang làm chuyện ngược đời”, một cổ đông đặt câu hỏi.

Ai là người hưởng lợi?

Mặc dù có những ý kiến trái chiều, kết quả Đại hội cho thấy, hơn 71% cổ đông nhỏ tham dự cuộc họp bỏ phiếu thông qua tờ trình hủy niêm yết. Điều này đặt ra câu hỏi: có hay không sự dàn xếp nào đó diễn ra trước thềm Đại hội?

Trên thực tế, đa phần những vụ hủy niêm yết khi được trình trước Đại hội đều được thông qua, bởi theo luật định, biểu quyết quá bán sẽ thắng và ưu thế luôn thuộc về cổ đông lớn! Khi đó, cổ đông nhỏ có quyền cao nhất là bán đi cổ phiếu nếu thấy không đồng tình với chủ trương của công ty.

Tại Đại hội KHA, ngay sau khi thông qua tờ trình hủy niêm yết, một nhóm cổ đông đại diện cổ đông nhỏ đề nghị bổ sung thông qua tờ trình mua cổ phiếu quỹ sau khi chuyển sang giao dịch UPCoM với lý do đảm bảo quyền lợi cổ đông nhỏ. Đây được xem là một hành động “xoa dịu dư luận”.

Đáng chú ý, tham gia ứng cử HĐQT và Ban kiểm soát hiệm kỳ mới 2017 - 2022 chỉ có 2 gương mặt cũ, trong đó có bà Nguyễn Ngọc Hạnh, hiện là Tổng giám đốc KHA, đại diện Tổng công ty Bến Thành.

Sau khi bầu cử, ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Capella trở thành Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ mới của KHA.

Thành lập năm 2006, Tập đoàn Capella, được biết đến là một trong các đơn vị thành viên của Tổng công ty Bến Thành, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản với tên gọi Bến Thành Land. Do một số nguyên nhân, Tổng công ty đã thoái toàn bộ vốn tại Bến Thành Land vào năm 2015.

Một trong những lo ngại mà các cổ đông KHA đặt lên hàng đầu là việc liệu KHA có giữ được những tiêu chuẩn minh bạch khi giao dịch tại UPCoM như khi niêm yết trên HOSE hay không.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Trí cho biết, “sân chơi” UPCoM không có những ràng buộc khắt khe như sàn niêm yết, nhưng vấn đề quan trọng là ý thức và cách làm của doanh nghiệp.

Việc đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường niêm yết buộc Công ty phải chịu một khoản phí hàng năm khá lớn, trong khi những năm qua, KHA không có nhu cầu gọi vốn. Do đó, việc hủy niêm yết là hợp lý.

Trong khi đó, bà Hạnh, với tư cách cổ đông đại diện vốn Nhà nước cho rằng: “Với tư cách là nhà đầu tư, đại diện vốn cổ phần Nhà nước, đương nhiên tôi đánh giá cao các công ty có hoạt động càng minh bạch càng tốt, nhất là những doanh nghiệp có vốn nhà nước, các chính sách cần khắt khe hơn”.

KHA có lợi thế sở hữu nguồn tài sản bất động sản từ các nhà xưởng, xí nghiệp trước đây, chủ yếu nằm tại quận 4, TP. HCM - khu vực có vị trí thuận lợi và tương đối khan hiếm quỹ đất. Chưa kể, Công ty sở hữu một số nhà xưởng, cửa hàng có khả năng chuyển đổi mục đích để phát triển các dự án kinh doanh dịch vụ bất động sản.

Cụ thể, KHA hiện đang khai thác và tập trung nghiên cứu trên khoảng 12 dự án bất động sản, nổi bật với hệ thống chung cư Khánh Hội 1,2,3; Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Riverside Palace, dự án Tòa nhà văn phòng 66-74 Nguyễn Tất Thành, Cao ốc văn phòng 360D Bến Vân Đồn…

Theo bà Hạnh, trong thời gian tới, tái tạo quỹ đất là một trong những mục tiêu quan trọng của Công ty. KHA sẽ tìm kiếm mua, nhận chuyển nhượng hoặc liên doanh liên kết các dự án mở rộng ra nhiều khu vực với nhiều quy mô không chỉ trên địa bàn quận 4.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục