Trong các số báo trước, ĐTCK đã phản ánh vụ kiện nói trên. Theo đó, vào tháng 7/2014, vợ chồng ông Trịnh Văn Hậu và bà Nguyễn Thị Giang bán mảnh đất hơn 16.100 m2 tại phường 11, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho vợ chồng ông Nguyễn Vũ Trung và bà Trịnh Thị Lan. Giá thỏa thuận là 50 tỷ đồng, phương thức thanh toán bằng tiền mặt, chia làm 3 đợt.
Hai bên lập một hợp đồng viết tay với giá mua bán như trên. Đồng thời, lập hợp đồng mua bán khác, với giá trị 10,2 tỷ đồng (để giảm số thuế chuyển nhượng phải nộp), có công chứng, chứng thực và sau đó, cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên mua. Bên mua đã dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này để thế chấp ngân hàng vay hàng chục tỷ đồng.
Do bên mua không thanh toán đủ số tiền 50 tỷ đồng cho bên bán, hai bên đã thỏa thuận và đề nghị thừa phát lại lập vi bằng với nội dung: nếu bên mua không thanh toán nốt số tiền còn thiếu (28 tỷ đồng) thì bên bán được quyền khởi kiện đề nghị tòa án hủy bỏ hợp đồng mua bán và không phải trả lại bên mua 22 tỷ đồng đã nhận.
Cuối cùng, hai bên đưa nhau ra tòa và tòa án, qua 2 cấp xét xử, thừa nhận hiệu lực của hợp đồng không có công chứng chứng thực và cho rằng hợp đồng chưa hoàn thành, bên mua chưa thanh toán hết tiền, do đó, bên bán đề nghị hủy hợp đồng là có căn cứ nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Vụ việc này khiến nhiều ngân hàng lo ngại về nguy cơ mất tài sản bảo đảm bởi bên thứ ba, dù là ngân hàng hay cá nhân khác, chỉ có thể căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà cơ quan có thẩm quyền cấp và không thể biết được những thỏa thuận ngầm của chủ cũ.
Được biết, sau phiên tòa sơ thẩm, Viện trưởng Viện KSND TP. Vũng Tàu đã ban hành Quyết định kháng nghị. Quyết định kháng nghị cho rằng, bản án sơ thẩm không xem xét yêu cầu độc lập của ngân hàng là không phù hợp, bởi quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã triệu tập ngân hàng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và ngân hàng đều có mặt, có ý kiến. Khi ngân hàng nộp đơn yêu cầu độc lập, tòa án đã chấp nhận, thụ lý và làm các thủ tục tố tụng liên quan như tạm ứng án phí, thu thập chứng cứ…
Hơn nữa, bản án tuyên trả lại đơn yêu cầu độc lập, tách ra để giải quyết bằng vụ kiện khác là không thỏa đáng, đất đai đã được bên mua thế chấp cho ngân hàng, hiện bên mua chưa thanh toán tiền, nhưng tòa án lại tuyên xử lý tài sản thế chấp và tách ra giải quyết bằng vụ kiện khác là chưa giải quyết triệt để các giao dịch trong cùng một vụ kiện. Do đó, Viện KSND TP. Vũng Tàu đề nghị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra xét xử phúc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm. Tuy vậy, vào phiên tòa phúc thẩm diễn ra giữa tháng 4 vừa qua, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không chấp nhận kháng nghị này.
Sau đó, Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn đề nghị Viện KSND cấp cao TP. HCM kháng nghị. Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, việc tòa án đình chỉ yêu cầu độc lập của ngân hàng và dành quyền khởi kiện cho ngân hàng bằng một vụ kiện dân sự khác khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật là không thỏa đáng.
Quyền sử dụng đất đã được thế chấp cho ngân hàng, hiện tại bên mua chưa thanh toán nợ cho ngân hàng. Tòa án tuyên xử lý tài sản thế chấp và tách yêu cầu độc lập của ngân hàng để giải quyết trong vụ án khác là chưa giải quyết triệt để các giao dịch có liên quan, quyền lợi và nghĩa vụ về tài sản đen xen nhau, liên quan trực tiếp đến nhau, nhưng không được xem xét giải quyết trong cùng một vụ án, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của ngân hàng.
Do đó, Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Viện KSND cấp cao TP. HCM xem xét kháng nghị theo hướng hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giao hồ sơ cho tòa án giải quyết lại. Đồng thời, cho tạm hoãn thi hành bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
ĐTCK sẽ tiếp tục cập nhật khi có diễn biến mới.