Huy động vốn qua trái phiếu: E ngại chặt trên giấy

(ĐTCK) Khi phong trào phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang sôi động, Luật Chứng khoán mới được Quốc hội thông qua được nhận định sẽ tác động mạnh tới kênh huy động vốn đang rất ồn ào này.

Dưới góc nhìn của nhiều doanh nghiệp, các quy định mới sẽ tạo ra nút thắt hạn chế việc huy động vốn của doanh nghiệp qua kênh dẫn vốn này, thị trường chứng khoán sẽ lại tiếp tục èo uột hơn. Trong khi đó, các nhà làm luật lại cho rằng, cần phải thắt chặt hơn nữa việc huy động vốn.

Quy định quá chặt?

Hiện nay, doanh nghiệp thực hiện chào bán riêng lẻ trái phiếu chỉ cần thực hiện thủ tục rất đơn giản: Một bản công bố thông tin sơ sài, không ai chịu trách nhiệm thẩm định thông tin đó chính xác hay không, có bị tô vẽ, thổi phồng hay không.

Trước phát hành 10 ngày, doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo tới sở giao dịch chứng khoán, không phải thực hiện và nộp hồ sơ chào bán lên Ủy ban Chứng khoán chờ xét duyệt.

Theo Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ phải thực hiện một loạt yêu cầu mới, với nhiều điều kiện chặt chẽ hơn như phải có báo cáo tài chính được kiểm toán của công ty kiểm toán được chấp thuận, trái phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 - 3 năm, phải có xác nhận đã thanh toán cả gốc và lãi của đợt phát hành gần nhất, khoảng cách giữa các đợt phát hành là ít nhất 6 tháng, có nghị quyết thông qua của đại hội đồng cổ đông…

Trái phiếu chỉ được bán cho các tổ chức chuyên nghiệp. Tức là, những quy định này đã buộc doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục chặt chẽ tương tự phát hành cổ phiếu riêng lẻ trên thị trường chứng khoán.

Quan điểm của các nhà làm luật là cần chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trên thị trường trái phiếu thời gian qua, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít kinh nghiệm trên thị trường; hạn chế trước những tác hại đến từ sự đổ vỡ của các doanh nghiệp lạm dụng việc huy động vốn qua kênh trái phiếu…

Trước đó, tại Diễn đàn Quốc hội, khi thảo luận về dự án Luật Chứng khoán sửa đổi, đại biểu còn lưu ý quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng, bởi dự thảo Luật Chứng khoán mới “đá” chức năng này sang Luật Doanh nghiệp.

Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, công ty không đại chúng được phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên cơ sở nghị quyết đại hội cổ đông, mà không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Đây là rủi ro lớn cho thị trường, bởi hiện nay, theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới chỉ có khoảng hơn 3.000 công ty đăng ký công ty đại chúng.

Nếu xét trên số lượng gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, có thể thấy, còn một lượng khổng lồ các công ty không đại chúng.

Trong khi đó, sở kế hoạch đầu tư các tỉnh chỉ nhận bản đăng ký vốn, còn doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường ra sao, cơ quan này không thể giám sát.

Do đó, để tránh rủi ro cho nhà đầu tư, nhiều đại biểu cho rằng, cần cân nhắc việc đưa vào luật quy định phải có sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với các chứng khoán của những công ty không đại chúng.

Góc nhìn của các nhà làm luật thì như vậy, nhưng với giới đầu tư và kinh doanh, quan điểm của họ ra sao?

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn cho rằng, quy định như dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán hiện nay là quá chặt, càng bó lại khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp - vốn đang chật vật phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng.

Khi thắt lại các quy định như vậy, độ lệch giữa kênh huy động vốn của nền kinh tế là ngân hàng và chứng khoán càng rộng hơn.

Trên thực tế, nếu các doanh nghiệp đáp ứng được các quy định như vậy cũng sẽ có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, mà không phải trông chờ vào kênh trái phiếu.

Cũng đã có những công ty chứng khoán thu bộn tiền từ dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu, chẳng hạn như Chứng khoánTechcombank, gần đây là Chứng khoán MB.

Tuy nhiên, cũng chỉ có 2 - 3 công ty chứng khoán có ngân hàng mẹ đứng sau hậu thuẫn mới có thể “ăn nên làm ra” ở nghiệp vụ này.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp cho biết, hiện chi phí vốn vay ngân hàng rất cao, lãi suất dao động từ 10 - 12%/năm, song doanh nghiệp bị hạn chế hạn mức vay, phải có tài sản đảm bảo.

Bởi vậy, huy động vốn qua kênh trái phiếu là một giải pháp phù hợp với nhiều doanh nghiệp. Phải rất tin tưởng vào doanh nghiệp, các tổ chức tài chính mới mua trái phiếu trơn và lãi suất trái phiếu cũng lên tới 13 - 14%/năm, mức quá cao với các doanh nghiệp.

Đây cũng là lý do giải thích vì sao doanh nghiệp sản xuất rất khó khăn trong việc chấp nhận lãi suất cao ở các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ vì e ngại không có phương án kinh doanh hiệu quả và tỷ suất lợi nhuận đủ để trả lãi trái phiếu và hàng trăm khoản chi phí khác của doanh nghiệp.

Thành thử, thống kê của các sở giao dịch chứng khoán thời gian qua cho thấy, các gương mặt phát hành trái phiếu chủ yếu thuộc nhóm bất động sản.

Số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, tổng số vốn các doanh nghiệp huy động được qua kênh phát hành trái phiếu lên tới hơn 179.084 tỷ đồng.

E ngại luật trên giấy

Ngoài câu chuyện quy định chặt hay không, vấn đề lớn hơn đặt ra ở đây là khả năng giám sát việc thực thi luật một cách nghiêm túc.

Nhìn vào thực tế hiện nay, có thể thấy, sự lộn xộn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu do tình trạng lách luật trong khâu thực hiện.

Cụ thể, Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành. Ấy vậy nhưng thị trường vẫn nhan nhản các lời chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu, giá trị từ vài triệu đồng.

Có tình trạng này là do trái phiếu thường được một số tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán mua, sau đó xé lẻ ra chào bán cho các nhà đầu tư cá nhân.

Thế nên, trái chủ của các doanh nghiệp phát hành không chỉ giới hạn ở dưới 100 nhà đầu tư, mà có thể nhân bản ra hàng nghìn nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư cá nhân thường không có khả năng thẩm định doanh nghiệp phát hành, không được tiếp cận bản công bố thông tin của doanh nghiệp, thậm chí nhiều trường hợp cũng chỉ được giới thiệu mỗi cái tên doanh nghiệp.

Nếu mọi chuyện suôn sẻ sẽ không có gì đáng nói, nhưng nếu thị trường bất động sản hoặc kinh tế vĩ mô diễn biến xấu, doanh nghiệp phát hành không có khả năng trả nợ gốc và lãi, sẽ khó có thể lường được những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra, vì nhà đầu tư không đọc kỹ hợp đồng, không có khả năng nhận diện rủi ro, mà đơn thuần chỉ đi theo tiếng gọi của lời chào mời lãi suất cao.

Luật được ban hành chặt, nhưng không được giám sát, buông lỏng trong thực thi vừa tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc và những doanh nghiệp lách luật vừa tạo ra rủi ro hệ thống đối với toàn thị trường và chính sách tài chính tiền tệ nói chung.

Ông Phạm Phú Quốc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội quan ngại, tình trạng chạy đua phát hành trái phiếu doanh nghiệp làm nóng thị trường, đẩy mặt bằng lãi suất lên cao, trong khi các yêu cầu về tài sản đảm bảo không được đặt ra, các công cụ bảo hiểm rủi ro về thị trường xếp hạng tín nhiệm vẫn chưa được hình thành sẽ tạo rủi ro, tiềm ẩn nợ xấu mới và ảnh hưởng đến mục tiêu điều tiết lãi suất ổn định vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước…

Theo ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam, khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo tài chính nhất thiết phải được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán được thừa nhận, được cho phép bởi Chính phủ, nhất là phải có báo cáo tài chính xác nhận tại thời điểm doanh nghiệp phát hành.

Đây là một bộ lọc sơ khởi cho các nhà đầu tư trên thị trường. Quy định này đã được đưa vào Luật Chứng khoán sửa đổi.

Điều quan trọng là sản phẩm trái phiếu phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn, tâm huyết trách nhiệm của các bên có liên quan đến quá trình phát hành.

Nhà đầu tư cá nhân thường không đủ thông tin, tài liệu, không có đủ trình độ thẩm định sản phẩm và đây chính là điều rủi ro cho nhà đầu tư và cho cả thị trường còn khá non trẻ này.

Tại một số nền kinh tế như Malaysia, Thái Lan, kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp chiếm tới gần một nửa tổng dư nợ của nền kinh tế, nhưng tất cả doanh nghiệp khi phát hành đều được định mức tín nhiệm.

Tuy nhiên, ở Việt Nam lại chưa có một tổ chức nào đủ năng lực và được cấp phép định nhiệm các doanh nghiệp dù câu chuyện này đã được đề cập rất nhiều.

Phương Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục