Giảm mạnh, do đâu?
Theo cập nhật của Bộ Tài chính, đến ngày 18/12, nền kinh tế đã huy động được 257.000 tỷ đồng qua TTCK, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, đấu thầu trái phiếu đạt 220.000 tỷ đồng, tăng 13%; phát hành cổ phiếu ra công chúng đạt 29.000 tỷ đồng, giảm 55% và huy động qua đấu giá cổ phần hoá, thoái vốn đạt 11.000 tỷ đồng, tăng 5 lần so cùng kỳ năm 2013.
Khi đánh giá về hiệu quả thực hiện một trong những chức năng quan trọng nhất của TTCK là huy động nguồn vốn trung và dài hạn cho DN, Bộ Tài chính cho rằng, trong năm 2014, TTCK chưa thực sự phát huy tốt vai trò này, chưa hỗ trợ tích cực cho quá trình cổ phần hóa DNNN và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Sự phối hợp trong quản lý và điều hành giữa các kênh huy động, giữa các loại thị trường (thị trường tiền tệ, thị trường vốn) có thời điểm còn chưa nhịp nhàng.
Thực tế cho thấy, để các DN niêm yết huy động vốn hiệu quả qua TTCK, thì kinh tế vĩ mô và TTCK đóng vai trò quyết định. Thế nhưng, hai yếu tố gốc này đã phải chịu những “cú sốc” bất ngờ trong năm qua, khi xảy ra sự kiện Biển Đông và Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36/2014. Những nhân tố bất ngờ này đã khiến TTCK giảm sâu, tác động khá nặng nề đến tâm lý NĐT, nên phần nào gây khó cho hoạt động huy động vốn của DN qua TTCK.
Mặt khác, nhiều “nút thắt” pháp lý vẫn chưa được tháo gỡ trong năm qua như: nới “room” cho NĐT nước ngoài, phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá..., mặc dù những điểm nghẽn này đã được nhận diện từ lâu. Nhiều sản phẩm mới được thúc đẩy triển khai, phát triển trong năm 2014 như quỹ mở, quỹ ETF, nhưng không nhận được sự ưu đãi về thuế, tương tự như cách nhiều TTCK các nước đã làm trong thời gian đầu triển khai các sản phẩm này. Hệ quả là NĐT chưa mấy quan tâm đến sản phẩm được kỳ vọng là tạo bước ngoặt cho ngành quỹ.
Một nguyên nhân khác khiến TTCK chưa đảm đương tốt vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho DN, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, là việc tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán chưa được triển khai đồng bộ, gắn kết chặt chẽ theo hướng phải đặt nhiệm vụ tái cơ cấu hai lĩnh vực này nằm trong một chiến lược tổng thể phát triển thị trường tài chính, tiền tệ. Hệ quả là chưa có sự phân vai tương đối cụ thể về tỷ lệ vốn mà TTCK, thị trường tiền tệ chịu trách nhiệm tài trợ cho DN trong từng giai đoạn, nên chưa giúp DN giảm thiểu những rủi ro do quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng như thời gian qua, đồng thời chưa có những chính sách đủ mạnh, dài hơi để hỗ trợ TTCK đảm đương tốt hơn vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho DN.
Cách nào cải thiện?
Theo nhận định của Bộ Tài chính, kinh tế trong nước năm 2015 được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn năm 2014, đòi hỏi nhu cầu vốn lớn hơn.
Để TTCK đảm đương tốt hơn vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn, ngoài việc sớm giải tỏa những nút thắt trên, một loạt giải pháp lớn đã được Bộ Tài chính nêu ra để triển khai trong năm 2015, nhằm thu hút hiệu quả hơn dòng vốn ngoại.
Đầu tiên là điều chỉnh quy định về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài tại các DN Việt Nam theo hướng mở rộng đối với các lĩnh vực, ngành nghề không cần kiểm soát, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo lộ trình (trước mắt tăng từ 49% lên 60%) theo cam kết WTO. Triển khai hệ thống đăng ký mã số giao dịch trực tuyến cho NĐT nước ngoài, nhằm tiết giảm thủ tục hành chính và thời gian thực hiện. Xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược với các quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín trong việc xây dựng, triển khai các sản phẩm mới cho thị trường, cũng như hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin. Xây dựng kênh truyền hình 24 giờ về tài chính, chứng khoán phát bằng tiếng Anh để cung cấp thông tin cho các NĐT nước ngoài. Lập trung tâm giải đáp thắc mắc cho NĐT nước ngoài có website kết nối với các cơ quan quản lý và thành viên thị trường. Hàng năm, xây dựng các cuộc khảo sát tìm hiểu thông tin, nhu cầu của NĐT nước ngoài trên website, từ đó xây dựng định hướng cung cấp thông tin hỗ trợ NĐT tốt hơn.
Trong các giải pháp trên, giải pháp được NĐT kỳ vọng nhất là việc nới room trên TTCK, đã không thành hiện thực năm 2014. Đưa vào giải pháp của năm 2015, nhưng trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo ngành cho biết, quyền quyết định không trong tầm của họ, nên giải pháp này chỉ mang tính đề xuất và NĐT cần hiểu rõ lộ trình này.