Huy động vốn: Cửa hẹp vì mệnh giá

(ĐTCK) Trong năm 2012, chức năng huy động vốn của TTCK thể hiện hết sức mờ nhạt.
Huy động vốn: Cửa hẹp vì mệnh giá

Nghịch lý ở chỗ, trong nhiều trường hợp, công ty “đói” vốn, có NĐT quan tâm muốn đầu tư, nhưng DN không thể phát hành do không được phép bán cổ phần dưới mệnh giá, ngay cả khi DN đang hoạt động thoi thóp hoặc ngấp nghé bên bờ vực phá sản.

Cổ đông “gật”, cơ quan quản lý “lắc”

Đã có các tranh cãi gay gắt về phương án tăng vốn từ 80 tỷ đồng lên 160 tỷ đồng, nhưng rút cuộc, cuộc họp ĐHCĐ đầu tuần trước của CTCP Vận tải Sài Gòn Tourist (STT) vẫn thông qua được tờ trình. Theo đó, STT sẽ hủy phương án phát hành theo nghị quyết ĐHCĐ năm 2010, thay thế bằng cách ủy quyền cho HĐQT tìm kiếm các đối tác chiến lược nước ngoài đàm phán giá bán cổ phiếu có lợi nhất cho Công ty.

Trong cuộc họp, nhiều cổ đông yêu cầu HĐQT STT phải phát hành cho đối tác chiến lược bằng mệnh giá (cao gấp 3 lần thị giá). Tuy nhiên, Ban giám đốc phủ nhận ngay khả năng này và cho biết, giá cổ phiếu STT trên sàn là cột mốc tham chiếu quan trọng trong việc đàm phán giá bán với đối tác, Công ty vẫn đang đàm phán, nhưng kịch bản lạc quan nhất cũng chỉ được 7.000 - 8.000 đồng/CP. Các ý kiến phản đối cuối cùng chấp thuận và tờ trình được thông qua với tỷ lệ 63,39%.

Huy động vốn: Cửa hẹp vì mệnh giá ảnh 1

Tương tự STT, ngày 5/12 tới, CTCP Hàng hải Sài Gòn (SHC) sẽ triệu tập cuộc họp ĐHCĐ bất thường, thảo luận kế hoạch của HĐQT chào bán 2 triệu cổ phiếu riêng lẻ, mệnh giá 10.000 đồng/CP. Đáng chú ý, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT SHC sẽ mua 80% số cổ phiếu phát hành thêm với giá 3.000 đồng/CP - ngang với thị giá. Chưa biết tờ trình này có được các cổ đông SHC thông qua như trường hợp của STT hay không, nhưng kế hoạch của cả hai công ty là phát hành cổ phiếu thấp hơn mệnh giá còn phải qua được cửa ải thứ hai khó khăn hơn là sự chuẩn y của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Thực tế, đã có nhiều thương vụ tương tự thực hiện không suôn sẻ. Chẳng hạn, đầu năm nay, tại cuộc họp ĐHCĐ của CTCK Rồng Việt (VDS), các cổ đông chuẩn y quyết định cho phép HĐQT xúc tiến việc tìm kiếm NĐT tiềm năng đầu tư vào VDS. Phương án được phác thảo cụ thể với kịch bản, VDS sẽ phát hành 35 triệu cổ phiếu với giá 7.000 đồng/CP. Sau đó, VDS tìm kiếm được NĐT sẵn sàng bỏ vốn để sở hữu 30 - 40% Công ty, nhưng kế hoạch đổ bể vì cơ quan quản lý không cấp phép.

Các trường hợp dự định xin phát hành dưới mệnh giá như VDS không hiếm gặp: đầu quý II/2012, CTCP Tập đoàn Gỗ Trường Thành (TTF) thông báo kế hoạch chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, với giá 5.000 đồng/CP; CTCP Tập đoàn Thái Hòa (THV), CTCP Đệ Tam (DTA)… cũng đánh tiếng với các dự định tương tự.

TTCK Việt Nam đã trượt dốc gần 6 năm, ngoài một số đợt phục hồi ngắn, thị trường vẫn trong chuỗi ngày đi xuống. Hơn 50% trong số hơn 700 mã chứng khoán niêm yết đang có thị giá thấp hơn mệnh giá. Vì thị trường mất “lửa”, chức năng quan trọng và cơ bản nhất của TTCK là huy động vốn cho các DN gần như tê liệt trong hai năm qua. Nghịch lý ở chỗ, DN yếu kém, khó vay vốn ngân hàng, thị giá cũng như giá trị thực của cổ phiếu giảm mạnh xuống dưới mệnh giá, có NĐT muốn bỏ vốn để tái cấu trúc tài chính, vực dậy DN, nhưng gặp trở ngại liên quan đến mệnh giá cổ phần nêu trên. Chỉ có một DN ngoại lệ đã được phép bán cổ phần dưới mệnh giá là Tribeco phát hành cho hai NĐT chiến lược với giá 7.520 đồng/CP vào năm 2009.

 

Mệnh giá “cứng” để làm gì?

Trao đổi với báo giới, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng khẳng định, quan điểm chính thức của cơ quan quản lý là DN có nhu cầu huy động vốn để phát triển kinh doanh là quyền của DN, nếu như cuộc họp ĐHCĐ thông qua thì cơ quan quản lý không ngăn cản. Tuy nhiên, về mặt giải pháp kỹ thuật, nếu phát hành cao hơn mệnh giá thì ghi thặng dư vốn cổ phần dương, nếu phát hành dưới mệnh giá thì ghi âm. Đây là “thủ thuật” kế toán, UBCK đã tổ chức lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận của các Vụ chức năng của Bộ Tài chính về vấn đề này.

Với thông tin trên, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT TTF cho biết, nhiều khả năng đợt phát hành của Công ty sẽ được cơ quan quản lý cho phép. Yếu tố kỹ thuật gây khó khăn là việc hạch toán thặng dư âm vốn cổ phần khi phát hành dưới mệnh giá, TTF có thể giải quyết được, do ở thời điểm hiện tại, Công ty có thặng dư vốn cổ phần vào khoảng 270 tỷ đồng, qua đợt phát hành này sẽ âm khoảng 98 tỷ đồng. Hiện TTF đang làm việc với đơn vị tư vấn về đợt phát hành, có thể công bố kết quả trong một vài tuần tới.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhìn các khó khăn trong việc huy động vốn của một số DN hiện nay ở góc độ bất cập của các quy định. Chuyên gia chứng khoán độc lập Huy Nam nhận xét, khái niệm mệnh giá cứng 10.000 đồng/CP của TTCK Việt Nam làm phát sinh nhiều vấn đề gây khó dễ cho DN. Chẳng hạn, trước đây các DN hay sử dụng thặng dư vốn cổ phần để chia cho các cổ đông, theo thông lệ thế giới thì đây là nghiệp vụ chia tách cổ phiếu. Thực hiện nghiệp vụ này, mệnh giá cổ phiếu bắt buộc phải giảm theo (có thể thấp hơn thị giá), vì mệnh giá chỉ mang ý nghĩa ở giai đoạn ban đầu khi DN bán cổ phần ra công chúng, nhưng ở Việt Nam, mệnh giá vẫn được giữ nguyên. Việc giữ mệnh giá cố định 10.000 đồng/CP vừa sai lầm về mặt kỹ thuật tài chính, vừa gây khó dễ cho DN khi phát hành cổ phiếu huy động vốn, có thể nảy sinh hiện tượng tiêu cực “xin - cho” khi luật không rõ ràng.

Ông Huy Nam cho hay, một số TTCK trên thế giới còn không có khái niệm danh nghĩa mệnh giá cổ phiếu, mà chỉ có khái niệm thị giá cổ phiếu và giá trị sổ sách. Đây là một bất cập và sự khác biệt của TTCK Việt Nam so với nhiều TTCK tiên tiến.

Giang Thanh
Giang Thanh

Tin cùng chuyên mục