Vinalimex mất khả năng thanh toán nợ
Việc vay vốn diễn ra từ năm 2010. Vietcombank cho CTCP Xuất nhập khẩu Hạt điều và hàng nông sản thực phẩm TP Hồ Chí Minh (Vinalimex) vay theo nhiều hợp đồng tín dụng.
Ngày 8/1/2010, hai bên ký hợp đồng số 13 có hạn mức 90 tỷ đồng, giải ngân theo từng khế ước nhận nợ.
Để đảm bảo cho khoản vay này, Vinalimex và Vietcombank đã ký một số hợp đồng thế chấp.
Cụm tài sản của Vinalimex bao gồm 2.935 m2 nhà đất của Công ty tại số 458B Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP Hồ Chí Minh, đang sử dụng làm trụ sở công ty. Nhà máy chế biến Sacafa tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh có diện tích hơn 8.000 m2. Khu đất 21.219 m2 tại tỉnh Bình Dương.
Cụm tài sản cá nhân bao gồm 3 nhà đất, căn hộ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Ánh và người thân quen khác.
Đối với hợp đồng này, Vinalimex còn nợ gốc là 51,8 tỷ đồng và 366.166 USD; nợ lãi là 27,5 tỷ đồng và 87.158 USD.
Ngày 18/3/2011, hai bên ký hợp đồng tín dụng số 82B11, hạn mức 60 tỷ đồng. Với hợp đồng này, Vinalimex còn nợ gốc 20,5 tỷ đồng và nợ lãi 19,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, hai bên còn ký các hợp đồng tín dụng từng lần số 6A13, 7A13, 8A13, 9A13 với tổng số nợ gốc và lãi là hơn 35.000 USD.
Do Vinalimex nhiều lần vi phạm nghĩa vụ thanh toán, ngân hàng đã khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty phải thành toán số nợ gốc và lãi là 119 tỷ đồng và hơn 480.000 USD.
Trường hợp Vinalimex không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số nợ trên, ngân hàng được quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Ông Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc Vinalimex thừa nhận việc vay nợ và các khoản nợ gốc nợ lãi như ngân hàng trình bày.
Ông Ánh cũng đồng tình với yêu cầu xử lý tài sản thế chấp nếu Công ty không trả được nợ.
Một số người liên quan cũng đồng tình với yêu cầu xử lý tài sản của ngân hàng và không có tranh chấp gì.
Bản án sơ thẩm đã tuyên buộc Vinalimex phải trả số nợ nêu trên. Trường hợp Vinalimex không trả được nợ, ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Thế chấp đất thuê, hợp đồng vô hiệu
Sau phiên tòa, ông Nguyễn Văn Ánh và một số người liên quan kháng cáo.
Tiếp đó, những người này rút kháng cáo. Tòa án ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Bản án có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2018, một nhóm các cổ đông pháp nhân và cá nhân của Vinalimex đệ đơn đề nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy quyết định đình chỉ phúc thẩm.
Tháng 3 vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên họp giám đốc thẩm.
Tòa án cho rằng, đối với 21.219 m2 đất tại tỉnh Bình Dương, có nguồn gốc là đất thuê của Nhà nước và trả tiền hàng năm. Quyền sử dụng đất này không được thế chấp, chuyển nhượng. Việc ngân hàng nhận thế chấp tài sản này là không đúng pháp luật, cần phải xem là vô hiệu.
Tòa án sơ thẩm không phát hiện tình tiết này nên công nhận hợp đồng thế chấp và xử lý phát mãi quyền sử dụng đất nêu trên là không đúng với quy định.
Vì lý do này, Tòa cấp cao tại TP Hồ Chí Minh hủy một phần bản án liên quan thế chấp thửa đất tại Bình Dương, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Năm 2017, Vietcombank từng tìm kiếm đối tác để tổ chức bán đấu giá quyền đòi nợ đối với Vinalimex. Việc này dường như không thành công vì đến nay Vietcombank vẫn giữ quyền đòi nợ. Vinalimex thành lập năm 1984, là một trong những công ty hàng đầu về xuất khẩu nhân điều ở Việt Nam và cũng là một trong những thành viên sáng lập hiệp hội điều Việt Nam. Công ty chuyên kinh doanh hạt điều, nông lâm thủy sản và hàng công nghiệp thực phẩm; chế biến hạt điều xuất khẩu... |