Báo động đỏ
Sự quan ngại là điều có thể thấy rõ trong báo cáo mới nhất của Ban Quản lý dự án 6 gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về tiến độ Dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt) thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Cụ thể, tính đến ngày 25/3, các nhà thầu thi công Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt mới đạt giá trị sản lượng 151,89 tỷ đồng, tương đương 1,81% giá trị hợp đồng và bằng 21,1% kế hoạch, trong đó riêng tháng 3/2022 chỉ đạt 0,28% giá trị hợp đồng.
Với việc được khởi công xây dựng từ ngày 22/5/2021, tính bình quân, dự án này chỉ đạt khối lượng hoàn thành khoảng 10 tỷ đồng/tháng. Với kiểu thi công “rùa bò” như vậy, Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dĩ nhiên đang đội sổ về khối lượng hoàn thành trong số 11 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Cần phải nói thêm rằng, Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài là 652,86 km, trong đó có 1 dự án thành phần đã hoàn thành; 10 dự án thành phần đang triển khai thi công xây dựng với lũy kế khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay khoảng 18.039,03 tỷ đồng/56.709 tỷ đồng, tương đương 31,8% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,54% giá trị hợp đồng so với kế hoạch.
“Trong tháng 3/2022, khối lượng thi công toàn Dự án đạt 2,07% giá trị hợp đồng. Tiến độ thực hiện các dự án thành phần đến nay cơ bản đáp ứng kế hoạch, song vẫn có 2 dự án chậm tiến độ là Diễn Châu - Bãi Vọt và Vĩnh Hảo - Phan Thiết”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt là một trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 triển khai theo hình thức PPP với liên danh nhà đầu tư được lựa chọn là liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2.
Đây cũng là dự án PPP thành phần có quy mô xây dựng lớn nhất (xây dựng 49,3 km cao tốc quy mô 4 làn xe qua địa phận Nghệ An, Hà Tĩnh); tổng mức đầu tư lên 11.157 tỷ đồng.
Trên thực tế, những vướng mắc tại Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đã xuất hiện ngay sau khi hợp đồng BOT được ký kết (ngày 13/5/2021). Cụ thể, liên danh nhà đầu tư rất chật vật trong việc đàm phán thu xếp khoản tín dụng trị giá hơn 4.000 tỷ đồng với các ngân hàng. Phải đến ngày 12/2/2022, tức là chỉ còn ít giờ so với thời hạn chót (đã được Bộ GTVT gia hạn), nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng mới ký được hợp đồng tín dụng hạn mức 3.560 tỷ đồng, với các nhà tài trợ gồm Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Bắc Á, Vietcombank, Agribank.
“Đây cũng là một trong những lý do khiến Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt phải thi công cầm chừng dù đã được phát lệnh khởi công khá lâu”, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 thông tin.
Năng lực điều hành yếu
Ngoài khó khăn trong việc thu xếp vốn, năng lực điều hành yếu của nhà đầu tư và thái độ thi công thiếu chuyên nghiệp của các nhà thầu cũng khiến tiến độ triển khai Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt bị sa lầy.
Theo Quyết định số 2319/QĐ-BGTVT ngày 30/10/2018, tổng mức đầu tư Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt là 11.157,82 tỷ đồng, bao gồm vốn nhà đầu tư 5.090,08 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu 1.023 tỷ đồng, vốn vay 4.067,08 tỷ đồng), phần vốn Nhà nước tham gia là 6.067,73 tỷ đồng.
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT vào đầu tháng 3/2022, ông Thái Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 6 cho biết, tại dự án này mới có 5/7 nhà thầu triển khai 25/66 mũi thi công. Hai nhà thầu do nhà đầu tư lựa chọn là Công ty Thái Yên và Công ty Đầu tư và Xây dựng VINA2 thậm chí còn chưa triển khai thi công. Các hạng mục là đường găng của Dự án như hầm Thần Vũ chỉ có vỏn vẹn 2 mũi thi công đường công vụ vào cửa hầm; cầu Hưng Đức chỉ có 1 mũi thi công cọc khoan nhồi. Một số mũi thi công đến nay vẫn dừng thi công (kể từ Tết Nguyên đán) như cầu vượt Quốc lộ 8A, nền đường đoạn Km458+ 300 - Km459+827.
“Với tiến độ huy động thiết bị, nhân lực, vật tư và công tác điều hành thực hiện Dự án của liên danh nhà đầu tư như trên, rất khó hoàn thành dự án theo tiến độ hợp đồng”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 đánh giá.
Do tiến độ thi công quá chậm, nên đến nay, toàn bộ vốn góp của Nhà nước trị giá 1.768 tỷ đồng vào Dự án vẫn chưa giải ngân được đồng nào.
Trước đó, khi kiểm tra hiện trường và chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt hôm 13/3, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đã phát tín hiệu cảnh báo đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, vì vậy doanh nghiệp dự án là bộ phận hết sức quan trọng để quản lý, điều hành triển khai thực hiện dự án. Dự án bị chậm tiến độ nghiêm trọng, cho thấy sự yếu kém trong công tác quản lý, điều hành của doanh nghiệp dự án.
Bộ GTVT yêu cầu các nhà đầu tư khẩn trương kiện toàn bộ máy điều hành của doanh nghiệp dự án để đáp ứng yêu cầu triển khai của Dự án; phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án 6, địa phương trong tổ chức thực hiện. Căn cứ hợp đồng BOT đã ký, nhà đầu tư khẩn trương xây dựng tiến độ tổng thể, tiến độ chi tiết, lập kế hoạch cụ thể theo từng tháng đối với từng gói thầu.
“Trường hợp nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, Bộ GTVT sẽ xem xét không đề xuất, chấp thuận các đơn vị tham gia thực hiện các dự án vốn đầu tư công trung hạn và các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 -2025”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.