Khát vọng Việt Nam
Đại hội lần thứ XII của Đảng (1/2016) xác định nhiệm vụ của giai đoạn 2016 - 2020 là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo…
Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới phát hành (2/2016) nêu rõ khát vọng Việt Nam vào năm 2035 là tiến đến một xã hội thịnh vượng, có thu nhập ở mức trung bình cao của thế giới, tiềm lực và vị thế của quốc gia được nâng cao. Nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao và hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.
Các ngành kinh tế hiện đại và kinh tế tri thức được phát triển trong mạng lưới các đô thị hiện đại kết nối tốt và hiệu quả sẽ là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Nói cách khác, để tiến đến một xã hội thịnh vượng, Việt Nam phải từng bước xây dựng được một nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo.
Sự phát triển kinh tế là một quá trình từ trình độ thấp lên trình độ cao. Các nền kinh tế phát triển thành công trên thế giới đều trải qua 3 giai đoạn phát triển là: giai đoạn 1, dựa vào mở rộng các yếu tố sản xuất; giai đoạn 2, dựa vào sử dụng các yếu tố sản xuất một cách hiệu quả; giai đoạn 3, dựa vào đổi mới sáng tạo không ngừng. Giữa các giai đoạn trên là một giai đoạn quá độ, chuyển tiếp.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2015 - 2016, Việt Nam được xếp vào nhóm 16 nước có trình độ phát triển ở giai đoạn quá độ từ nền kinh tế dựa vào các yếu tố sản xuất sang nền kinh tế dựa vào hiệu quả, tiến bộ hơn một bậc so với các năm trước đó (xếp hạng năm 2014 - 2015 của Việt Nam là ở giai đoạn 1: dựa vào các yếu tố sản xuất).
Báo cáo Việt Nam 2035 nêu khát vọng đến năm 2035 sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao nhờ vào hiện đại hóa nền kinh tế. Điều này có nghĩa, Việt Nam khi đó sẽ ở vào khoảng cuối của giai đoạn 2, hoặc ở mức cao hơn là bước sang giai đoạn chuyển tiếp từ nền kinh tế dựa vào hiệu quả sang nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo.
Muốn vậy, thời kỳ đến năm 2025, Việt Nam phải phấn đấu chuyển sang nền kinh tế dựa vào hiệu quả và 10 năm sau đó cần nỗ lực để kết thúc giai đoạn dựa vào hiệu quả, từng bước chuyển sang nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo.
Xây dựng và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo
Nếu như tăng trưởng của nền kinh tế dựa vào các yếu tố sản xuất chủ yếu nhờ tăng quy mô lao động phổ thông và các nguồn tài nguyên thiên nhiên thì trong nền kinh tế dựa vào hiệu quả, tăng trưởng kinh tế dựa vào tăng năng suất lao động chủ yếu nhờ vào học hỏi, ứng dụng công nghệ sẵn có và nâng cấp nguồn nhân lực nhờ giáo dục và đào tạo đại học.
Còn trong nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế nhờ chủ yếu vào việc sáng tạo và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, các quá trình sản xuất tinh xảo nhất và lực lượng lao động chất lượng cao để tạo ra những sản phẩm mới và độc đáo với năng suất lao động rất cao.
Ông Bùi Tất Thắng
Như vậy, để phát triển kinh tế trong cả ngắn, trung hạn và dài hạn, Việt Nam cần phải xây dựng và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo phù hợp cho từng giai đoạn phát triển. Việc này không chỉ cần có những đổi mới đột phá về chính sách, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch để có thể tạo ra một số động lực ban đầu cho sự tăng trưởng bền vững và cao hơn mà còn cần phải được bổ sung bằng tinh thần học hỏi sâu rộng của những người lao động tại các doanh nghiệp, các trang trại và các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên để không ngừng mang những tri thức mới áp dụng vào sản xuất.
Việc dịch chuyển theo hướng sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn sẽ phải diễn ra liên tục và đồng thời trong hàng trăm ngàn các doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi người lao động phải xử lý tri thức và kỹ năng để trong mỗi giờ làm việc, họ sẽ sản xuất ra những hàng hóa và dịch vụ có giá trị gấp nhiều lần so với những gì mà họ tạo ra ngày hôm nay. Quá trình đó cần có sự hỗ trợ của thể chế, cho phép cập nhật liên tục các kiến thức và kỹ năng.
Trong một nền kinh tế dựa vào đổi mới, sáng tạo, tri thức mới được sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và các doanh nghiệp. Phần lớn giá trị gia tăng sẽ được tạo ra từ việc sản xuất ra các sản phẩm mà trước đây không tồn tại và áp dụng các quy trình, kỹ thuật tổ chức, sản xuất mà trước đây chưa được biết tới hoặc chưa được thử nghiệm.
Quá trình liên tục tìm kiếm và thử nghiệm các công nghệ mới để cải tiến sản xuất là trung tâm của một nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo. Thành công của nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo là nhờ vào việc tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).
Khát vọng “Việt Nam 2035” là đến năm 2035, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam được nâng cao, cơ bản dựa trên những nền tảng vững mạnh của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Trước hết là khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, phát triển năng động, chất lượng quản trị và năng lực đổi mới sáng tạo được nâng cao, hấp thụ những tri thức tiên tiến để tạo ra những hàng hóa có giá trị gia tăng.
Đồng thời, nền kinh tế hình thành được lực lượng các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có năng suất cao, tốc độ tăng trưởng nhanh. Các doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào các khâu có trình độ tinh xảo và giá trị gia tăng cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, đóng vai trò cốt lõi và dẫn dắt các chuỗi giá trị nội địa và các cụm ngành (cluster).
Bên cạnh đó, hệ thống các viện nghiên cứu khoa học và công nghệ hoạt động năng động, có hiệu quả, liên kết với mạng lưới tri thức toàn cầu, trong đó có một số viện đạt trình độ tiên tiến, tiếp cận tri thức tiên phong toàn cầu. Các viện nghiên cứu tập trung vào các nghiên cứu nền tảng phù hợp với lợi thế của Việt Nam và nghiên cứu ứng dụng phục vụ các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, liên kết chặt chẽ để hỗ trợ chuyển giao hoặc cung cấp tri thức đổi mới sáng tạo có chất lượng cao và phù hợp cho doanh nghiệp.
Để tạo lập cơ sở cho phát triển nền kinh tế sáng tạo, cần phải cải thiện cả từ phía cầu - nhu cầu và năng lực học hỏi, hấp thụ công nghệ đổi mới của bản thân doanh nghiệp, lẫn phía cung - sự sẵn sàng của hệ thống nghiên cứu và phát triển (R&D) cùng với hệ thống giáo dục đại học được mở rộng, chất lượng cao và kết nối với thế giới.
Nói cách khác, để từng bước tạo ra nền kinh tế đổi mới sáng tạo, rút ngắn đẳng cấp phát triển với các nền kinh tế phát triển cao, Việt Nam cần một chương trình đổi mới và phát triển tổng thể từ thể chế kinh tế chung đến tạo dựng các nền tảng vững chắc của đổi mới sáng tạo ngay từ bây giờ.
Yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Thế giới đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, trong đó khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.
Đáng chú ý, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đặc trưng là Internet, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, khoa học vũ trụ, khoa học về đại dương…, đang đòi hỏi con người cần có những năng lực chuyên môn mới, kiến thức mới (toán học, vật lý học, sinh vật học….) và năng lực xã hội mới với tư cách là những công dân toàn cầu (ngoại ngữ, văn hóa học, đất nước học…).
Vì vậy, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần của Đại hội XII của Đảng, phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực là rất cấp thiết và không thể trì hoãn.
Hướng đổi mới chính là chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Giáo dục, đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gắn với tiến bộ khoa học - công nghệ, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động.
Đối với việc đào tạo nguồn nhân lực, hàng năm, nên tổ chức các hội nghị đào tạo nhân lực với sự tham gia của ít nhất 4 thành phần chính: giới quản lý, giới giáo sư, giới chủ, giới lao động. Chủ đề thảo luận xoay quanh việc trả lời câu hỏi: kiến thức và kỹ năng được đào tạo đáp ứng được bao nhiêu so với yêu cầu thực tế đòi hỏi?
Trên cơ sở đó, các giáo sư sẽ nghiên cứu điều chỉnh chương trình giảng dạy, đào tạo; thông tin từ doanh nghiệp sẽ cho thấy khả năng chuyển đổi cơ cấu, tính chất ngành nghề và các nhà làm chính sách (quản lý) tiến hành nghiên cứu điều chỉnh chính sách (định hướng phát triển ngành nghề và chính sách giáo dục, đào tạo).
Người học cũng có thông tin tin cậy để suy nghĩ và quyết định sự lựa chọn lĩnh vực học tập, đào tạo nghề và kinh doanh phù hợp với môi trường và năng lực của mình. Nhờ đó, cả xã hội được lợi nhờ giảm những chi phí không cần thiết trong đào tạo nhân lực và kết nối cung - cầu nhân lực.