Hướng tới “miền đất mới” phái sinh

(ĐTCK) Sự có mặt đông đủ của đại diện các công ty chứng khoán, trong đó có nhiều người là lãnh đạo chủ chốt tại Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về vận hành TTCK phái sinh do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Tập đoàn Maybank Kim Eng tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) vào hai ngày cuối tuần qua cho thấy, sản phẩm phái sinh, TTCK phái sinh đang rất được mong chờ sẽ tạo ra sân chơi mới cho nhà đầu tư cũng như công ty chứng khoán.
Hai sản phẩm phái sinh đầu tiên được lựa chọn thử nghiệm đưa ra thị trường là hợp đồng tương lai TPCP và hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu Hai sản phẩm phái sinh đầu tiên được lựa chọn thử nghiệm đưa ra thị trường là hợp đồng tương lai TPCP và hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu

Ông Ati Atikul, Giám đốc điều hành Khối chứng khoán phái sinh Maybank Kim Eng Thailand chia sẻ, khối lượng hợp đồng tương lai năm 2015 là 200.000 hợp đồng mỗi ngày, tương đương 30 - 40% quy mô giao dịch của TTCK. “Nhưng Sở giao dịch tương lai Thái Lan (TFEX) so với các thị trường phát triển vẫn chưa có nhiều giao dịch và còn nhiều dư địa phát triển. Như thị trường Đài Loan, thị trường phái sinh có quy mô gấp 200% TTCK”, ông Ati Atikul chia sẻ.

Là người trong ngành, những người tham dự hội thảo đều đã hiểu về TTCK phái sinh phát triển như thế nào ở các nước khác, nhưng những con số cụ thể mà ông Ati Atikul đưa ra là dẫn chứng cho thấy, tiềm năng phát triển khi TTCK phái sinh đi vào hoạt động là rất lớn. Đó là mảnh đất mới cho các công ty chứng khoán mạnh về môi giới hoạt động và nhà đầu tư giao dịch.

Chẳng hạn, Thái Lan năm 2014 chứng kiến sự gia tăng số lượng hợp đồng tương lai gấp đôi năm 2013 nhờ sản phẩm mới là hợp đồng tương lai tài sản cơ sở. Chứng khoán riêng lẻ được đưa vào thị trường bên cạnh hợp đồng tương lai tài sản cơ sở là chỉ số SET50 Index. Và Thái Lan hiện có khoảng 70 hợp đồng tương lai cho cổ phiếu riêng lẻ. Đáng lưu ý là ở Thái Lan, nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm 50% tổng giá trị giao dịch thị trường tương lai, còn lại là nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài. Đó là lý do vì sao khi TFEX muốn đưa một sản phẩm mới ra thị trường thường khảo sát ý kiến nhà đầu tư cá nhân.

“Chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh là lĩnh vực hoàn toàn mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực tiễn vận hành thị trường này trong khi các quốc gia trong khu vực và thế giới đã hình thành khá lâu, vì vậy công tác xây dựng năng lực tổ chức TTCK phái sinh phải được nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam trong việc thiết lập quản lý và vận hành thị trường" - Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long.

Một thị trường với quy mô lớn hơn, thu hút đông đảo nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài tham gia nhiều hơn là kỳ vọng mà ĐTCK ghi nhận được khi thị trường phái sinh Việt Nam đi vào hoạt động. Từ kinh nghiệm phát triển của các thị trường đi trước, Việt Nam có quyền kỳ vọng, tại sao không?

Khi trao đổi với ĐTCK, các công ty chứng khoán tên tuổi đều cho biết đã có sự chuẩn bị để triển khai cung cấp dịch vụ liên quan đến thị trường phái sinh khi thị trường chính thức được vận hành. Tại CTCK  Maybank Kim Eng, lãnh đạo công ty này cho biết, Maybank Kim Eng cũng đang theo rất sát lộ trình triển khai của các cơ quan chức năng để có thể tiên phong cung cấp các sản phẩm phái sinh cho khách hàng của mình ngay khi được phép. Công ty này đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, tài chính, pháp lý và các nội dung khác theo quy định để có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu từ cơ quan quản lý.

Giám đốc một CTCK lớn khác chia sẻ, ông mong rằng UBCK sẽ xúc tiến sớm việc ra đời các sản phẩm phái sinh. Và với kinh nghiệm học hỏi từ các thị trường khác thì Việt Nam nên rút ngắn quy trình nghiên cứu sản phẩm vì có thể làm theo những bước rất cơ bản mà các thị trường khác đã tiến hành.

Giám đốc điều hành Khối dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDirect, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, TTCK phái sinh muốn sôi động, cần có sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư. Theo đó, trong kiến nghị gửi đến nhà quản lý, ông Tuấn Anh cho rằng, công tác đào tạo và mở hệ thống cho nhà đầu tư trải nghiệm cần có ngay từ những ngày đầu xây dựng thị trường này.

Lãnh đạo Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) cho biết, quy trình giao dịch chứng khoán phái sinh và thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh sẽ được áp dụng triển khai tại HNX và VSD trong thời gian tới. Về quy trình giao dịch chứng khoán phái sinh, HNX cho biết, 2 sản phẩm phái sinh đầu tiên được lựa chọn thử nghiệm đưa ra thị trường là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ và hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu.

Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long cho biết: “Chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh là lĩnh vực hoàn toàn mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực tiễn vận hành thị trường này trong khi các quốc gia trong khu vực và thế giới đã hình thành khá lâu, vì vậy công tác xây dựng năng lực tổ chức TTCK phái sinh phải được nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam trong việc thiết lập quản lý và vận hành thị trường. Cùng với công tác xây dựng khung pháp lý, UBCK tích cực thúc đẩy họsc tập kinh nghiệm quốc tế cũng như triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và mô hình dự kiến triển khai tới nhà đầu tư để các cá nhân và tổ chức có thể nắm bắt tiếp cận thị trường nhanh chóng và hiệu quả”.

Cuối tuần qua là lần thứ 6, UBCK chủ trì tổ chức hội thảo về chủ đề TTCK phái sinh nhằm mục đích chuẩn bị kỹ những kiến thức, năng lực đưa TTCK phái sinh đến gần hơn với công chúng đầu tư và các thành viên thị trường. Tuy nhiên, câu hỏi mà nhiều thành viên thị trường đặt ra là khi nào sẽ chính thức vận hành sản phẩm phái sinh đầu tiên vẫn chưa có câu trả lời cụ thể từ nhà quản lý. Kỳ vọng về vùng đất mới phái sinh là lớn, nhưng cần nhiều sự nỗ lực mới có thể ra đời.

Thành Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục